Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Giảm chi phí logistics, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2050, kéo giảm chi phí logistics xuống tương đương 10 - 12% GDP. Để mục tiêu này khả thi, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, vấn đề quan trọng nhất là cần hành động nhanh trên thực tế.
Chi phí logistics của Việt Nam hiện ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với bình quân chung 10,6% của thế giới. Ảnh: Tiên Giang
Chi phí logistics của Việt Nam hiện ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với bình quân chung 10,6% của thế giới. Ảnh: Tiên Giang

Chi phí logistics vẫn cao

Nhìn lại 7 năm thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương đánh giá, ngành logistics nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến đáng kể.

“Việt Nam hiện có hơn 34.000 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, tăng 21 bậc so với năm 2016. Việt Nam cũng là nước xếp hạng TOP đầu trong các thị trường mới nổi, với tốc độ phát triển của ngành logistics trong những năm gần đây đạt 14 - 16%, quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Chất lượng cung cấp dịch vụ logistics từng bước được nâng cao rõ rệt...”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Tuy vậy, ông Trần Duy Đông cũng thẳng thắn chỉ ra, điểm yếu của các DN logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa đáp ứng được các thị trường khó tính.

Từ góc nhìn DN, ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam cho biết, mức chi phí xếp dỡ của thế giới khoảng 30 - 40 USD/container, nhưng ở Việt Nam khoảng 50 USD, tùy chủng loại.

Đề cập đến vấn đề này tại một diễn đàn logistics cuối năm 2023 tại khu vực phía Nam, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng như nhiều DN chỉ ra, chi phí logistics Việt Nam, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn quá cao khi chi phí vận tải chiếm 30 - 40% giá thành sản phẩm tại Vùng, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.

Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với bình quân chung 10,6% của thế giới. Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối, trung tâm logistics lớn mang quy mô khu vực và quốc tế...

Tại Dự thảo, Bộ Công Thương chỉ ra nhiều hạn chế về thực trạng phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2022. Theo đó, hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài 595.201 km, trong đó quốc lộ 24.321 km, đường cao tốc 1.441 km, đường tỉnh 29.993 km, còn lại là đường đô thị và giao thông nông thôn. Tuy nhiên, một số tuyến đường cao tốc quan trọng có nhu cầu lớn đã quá tải, thường xuyên tắc nghẽn; năng lực kết nối mạng lưới và kết nối khu vực chưa cao.

Về đường sắt, trong giai đoạn vừa qua, ngành đường sắt đã triển khai xây dựng mới một số hạng mục hạ tầng, nhưng nhìn chung chưa có thay đổi đáng kể; hạ tầng đường sắt Việt Nam còn lạc hậu...

Quyết liệt hành động để cắt giảm chi phí logistics

Nhận định về triển vọng phát triển ngành dịch vụ logistics, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi như: có vị trí địa chính trị, kinh tế chiến lược; kinh tế đất nước hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới, tăng trưởng xuất nhập khẩu luôn ở mức cao, tạo nguồn cầu lớn cho dịch vụ logistics...

Vì vậy, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, Dự thảo đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có kéo giảm chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030, chi phí logistics giảm xuống 15 - 18% GDP, xếp hạng LPI thứ 35; và xuống 10 - 12% GDP vào năm 2050. Xếp hạng LPI thứ 25 trên toàn cầu.

Nhiệm vụ kéo giảm chi phí logistics để góp phần tăng sức cạnh tranh cho DN, nền kinh tế cũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các bộ, ngành và địa phương được Chính phủ nhấn mạnh tại Nghị quyết 02 ban hành hàng năm.

Nhìn về mục tiêu trên, ông Lê Minh cho rằng, đây là mục tiêu tham vọng, song hoàn toàn có thể đạt được nếu các giải pháp ban hành được triển khai hiệu quả. Theo ông Lê Minh, các DN đánh giá, sau 7 năm thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg, kết quả thu về chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, để những nội dung Chiến lược đi vào cuộc sống, điều quan trọng là phải triển khai với các giải pháp cụ thể, rõ ràng.

“Như tôi nhiều lần đề cập, các giải pháp đưa ra để giảm chi phí logistics vẫn khá chung chung, chưa bóc tách chi phí logistics cao là do khâu nào để giải quyết triệt để”, ông Lê Minh nhận xét.

Cũng cho rằng đây là mục tiêu tham vọng, theo ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Gemadept, cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng, có tính liên kết cao, tránh tình trạng chỗ thiếu, chỗ thừa.

Định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới, tại Dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất 7 giải pháp cụ thể. Trước tiên là hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics. Đổi mới quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics...

Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến được trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2024.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư