Các địa phương chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa sẽ được hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua nền tảng số. Ảnh: Lê Tiên |
Hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản
Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam và Grab Việt vừa ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình hợp tác hỗ trợ CĐS, kết nối tiêu thụ nông sản cho DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Chương trình tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy CĐS, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên nền tảng số; nâng cao nhận thức về CĐS cho các nhà sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng; nâng cao năng lực triển khai CĐS, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số; thúc đẩy các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản đối với các địa phương chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trước mắt, Chương trình đặt mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa.
Ông Vũ Quang Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thuộc Liên minh HTX cho rằng, CĐS là xu thế tất yếu và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và phát triển, khu vực kinh tế HTX không thể đứng ngoài cuộc.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT, Chương trình sẽ góp phần giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và tiêu thụ, để không còn tình trạng giải cứu trong tương lai.
Tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Từ tháng 1/2021, Bộ KH&ĐT đã triển khai Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong 5 tháng đầu năm 2021, hơn 60 đối tác trong nước và quốc tế đã đồng hành triển khai nâng cao nhận thức, tư vấn đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, tư vấn lộ trình CĐS, đào tạo, kết nối giải pháp cho 5.000 DN tiếp cận Chương trình. Các khóa đào tạo nâng cao nhận thức cho DN về CĐS cũng được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đông đảo DN, trong đó có các DN nhỏ và vừa.
Thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ thực hiện một loạt hoạt động cụ thể để tăng tốc hỗ trợ DN CĐS nhằm vượt qua khó khăn, thích ứng và phát triển trong tình hình mới. Theo đó, Cục Phát triển DN sẽ tập trung triển khai các hoạt động của Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021 - 2025; đàm phán với các đối tác đồng hành để xây dựng các gói hỗ trợ và ưu đãi. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động, khóa đào tạo chuyên gia và cấp chứng chỉ đào tạo CĐS cho DN.
Đặc biệt, tuần tới, Chương trình sẽ cho ra mắt cuốn Hướng dẫn CĐS cho DN tại Việt Nam nhằm chỉ rõ đường hướng, cách thức để DN CĐS thành công.
Về phía Liên minh HTX Việt Nam, ông Vũ Quang Phong cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư sẽ chủ động triển khai một số biện pháp hỗ trợ các HTX, thúc đẩy CĐS. Đơn cử như Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý, bao gồm xây dựng nền tảng ứng dụng về CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, nhiều DN đã chủ động triển khai CĐS để nâng cao năng lực cạnh tranh. Gần đây nhất, Tập đoàn Kim Tín cùng Tập đoàn FPT ký kết hợp đồng và khởi động dự án CĐS toàn diện nhằm giúp Kim Tín tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Trước đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về lĩnh vực CĐS trong hệ thống quản trị, kinh doanh điện năng, quản lý vận hành nhằm hiện thực hóa mục tiêu EVNSPC trở thành DN số vào năm 2025...
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)