Tăng cường cơ chế giám sát, chặn sai phạm trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Hữu Trí, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu liên quan đến Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Có không ít dự án xây dựng cơ bản nêu lý do cấp bách để xin chỉ định thầu, nhưng khi được chỉ định thầu thì lại triển khai chậm chạp, kéo dài. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Có không ít dự án xây dựng cơ bản nêu lý do cấp bách để xin chỉ định thầu, nhưng khi được chỉ định thầu thì lại triển khai chậm chạp, kéo dài. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Ông đánh giá như thế nào về tính cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu?

Việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này là rất cần thiết, đòi hỏi càng sớm càng tốt mới đáp ứng được các yêu cầu hiện nay trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt liên quan đến lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư công.

Đại biểu Lê Hữu Trí

Đại biểu Lê Hữu Trí

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng những bất cập, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu thời gian qua có nguyên nhân từ quy định của pháp luật và cả tổ chức thực hiện.

Ví dụ, trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… của các cơ sở y tế công lập, vấn đề bất cập hiện nay không hoàn toàn do các quy định của Luật Đấu thầu mà do các văn bản dưới luật của ngành y tế có nhiều điểm nghẽn về giá thiết bị, quy định về việc mua, thuê, mượn tài sản, tình trạng phụ thuộc đặt máy của các nhà cung cấp thiết bị quá lâu, yếu kém trong quản lý cung ứng của các cơ sở y tế. Tình trạng tiêu cực diễn ra lâu ngày khi đối mặt với sự quyết liệt của các cơ quan thực thi pháp luật thì phát sinh hiện tượng chậm, không thực hiện mua sắm. Điều này cần cân nhắc trong sửa đổi Luật Đấu thầu. Nên có đánh giá đúng bản chất vấn đề của những bất cập trong hoạt động đấu thầu để nhận diện nguyên nhân nào do Luật, nguyên nhân nào do tổ chức thực hiện, từ đó có sửa đổi đúng, trúng.

Luật Đấu thầu có liên quan đến rất nhiều luật khác, vậy làm thế nào để tránh chồng chéo, khó khăn trong thực hiện?

Theo tôi, việc sửa Luật lần này cần lưu ý đầu tiên đến vấn đề đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật. Cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đấu thầu với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp… Trong quá trình thực hiện ở cơ sở, nếu còn có sự xung đột pháp luật, chồng chéo, sẽ dẫn đến không biết áp dụng luật nào cho đúng.

Tôi lấy ví dụ việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có sử dụng đất hay đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thì trường hợp nào quy định ở Luật Đấu thầu, trường hợp nào quy định ở Luật Đất đai hoặc Luật Giá; luật nào chỉ quy định nguyên tắc, quy định khung, luật nào quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện… Đây là vấn đề khó nhưng nếu không quy định rõ thì sẽ khó thực hiện do chồng chéo.

Theo tôi, nên tiếp cận theo hướng Luật Đấu thầu quy định nguyên tắc chung về đấu thầu. Đồng thời, cần xác định rõ phải tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định trong Luật Đấu thầu khi quy định những nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về đấu thầu ở các luật khác.

Ông kỳ vọng nhất vào điểm gì khi sửa đổi Luật Đấu thầu?

Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần ngăn chặn cho được các biểu hiện thông thầu hoặc tình trạng chủ đầu tư, bên mời thầu áp đặt các điều kiện nhằm hướng đến nhà thầu nào đó. Đây là hiện tượng tiêu cực diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua, dẫn đến nhiều sai phạm.

Tôi đã nhiều lần đề nghị cần có cơ chế giám sát hoạt động đấu thầu thông qua một tổ chức giám sát hoặc cơ quan nhà nước giám sát ngay từ bước đầu tiên của hoạt động đấu thầu. Một số quốc gia khác cũng làm vậy. Từ đó ngăn chặn từ đầu nếu phát hiện hồ sơ mời thầu có vấn đề, chứ không phải chờ đến khi thanh tra, kiểm tra mới phát hiện sai phạm, nhiều vấn đề phải xử lý, mất đi cán bộ…

Đối với vấn đề chỉ định thầu, một số trường hợp cần thiết chỉ định thầu để đáp ứng ngay yêu cầu công việc hay không thể đấu thầu rộng rãi vì lý do bất khả kháng, an ninh, quốc phòng, chống thiên tai. Một số trường hợp chỉ định thầu có thể có lợi hơn đấu thầu rộng rãi.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, với dự án đầu tư xây dựng cơ bản, có không ít dự án nêu lý do cấp bách để xin chỉ định thầu, nhưng khi được chỉ định thầu thì lại triển khai chậm chạp, thậm chí kéo dài, không còn tính cấp bách nữa. Hoặc có tình trạng lợi dụng quy định giá trị gói thầu được chỉ định thầu, chủ đầu tư cố tình chia nhỏ gói thầu, phá vỡ tính chất liên hoàn của dự án dẫn đến dự án triển khai không đồng bộ, dở dang...

Để tránh lạm dụng chỉ định thầu, Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về trường hợp được chỉ định thầu, làm rõ thế nào là cấp bách…, đồng thời phải khắc phục được vấn đề chia nhỏ gói thầu.

Đối với việc cho phép thực hiện một số hành động trước khi có quyết định phê duyệt dự án cũng cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, cần thiết và Luật phải xác định rõ các trường hợp đặc biệt. Nếu không sẽ bị lợi dụng, khó cho việc xử lý sau này.

Chuyên đề