Việc sửa đổi Luật Đấu thầu sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, đầu tư và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Ảnh: Tường Lâm |
Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Luật Đấu thầu đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nảy sinh trong quá trình gần 10 năm thực thi Luật. Tôi kỳ vọng việc sửa đổi Luật sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đó, đồng thời, hạn chế được những tiêu cực xảy ra trong đấu thầu, bảo đảm quá trình đấu thầu công khai, minh bạch, hiệu quả.
Cũng phải lưu ý rằng, Luật Đấu thầu liên quan đến nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật. Để giải quyết tốt những vướng mắc phát sinh, cần có sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác, cùng với đó là trách nhiệm tổ chức thực thi, áp dụng pháp luật và trách nhiệm của người đứng đầu.
Liên quan đến đấu thầu cũng có nhiều quy định, nhất là quy định về lựa chọn nhà thầu phải được tính toán rất kỹ, tránh tạo ra những kẽ hở để xảy ra tiêu cực trong quá trình này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với các luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, có những vi phạm, sai phạm, và một số vấn đề phát sinh mà chưa có quy định để xử lý.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu là phù hợp nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa), Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Luật Đấu thầu và một số luật khác đang có sự chồng chéo về một số nội dung, nên việc tổ chức thực hiện khó khăn, nhất là khi tiến hành lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án lớn. Do đó, việc sửa Luật là rất cần thiết, nếu không sửa sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Theo đó, tôi mong muốn, không chỉ sửa Luật Đấu thầu mà cần tiếp tục sửa các luật liên quan, sửa càng sớm càng tốt nhằm tháo gỡ những “nút thắt” hiện nay, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi.
Về thủ tục đấu thầu, tôi cho rằng cần tiếp tục được cải tiến, trong đó có vấn đề thời gian. Lý do là hiện thủ tục đấu thầu vẫn dài, chưa thực sự tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án. Thời gian thực hiện các thủ tục đấu thầu cần được rút ngắn, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn việc triển khai thực hiện các dự án, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình)
Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này cơ bản vẫn kế thừa các nguyên tắc chung của luật hiện hành trong tổ chức lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung, về cơ bản có thể khắc phục được các khuyết điểm, bất cập.
Dự thảo lần này theo hướng tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng đã làm rõ phạm vi điều chỉnh khi liên quan đến các luật khác, quy định về các điều kiện tổ chức đấu thầu quốc tế, chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đi đôi với tăng cường công tác hậu kiểm.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
Tôi rất mừng khi Quốc hội đưa vấn đề sửa đổi Luật Đấu thầu tại kỳ họp này. Bởi trên thực tế, ngay từ thời tôi còn làm quản lý đã nhận thấy Luật Đấu thầu sau nhiều năm đi vào cuộc sống đã bộc lộ những điểm bất cập, đặc biệt là thời gian xảy ra Covid-19 cho thấy những nhược điểm mà không sửa thì không làm được. Quốc hội quyết định việc sửa Luật lần này là rất đúng.
Có lẽ sau đợt dịch Covid-19, vấn đề đấu thầu đã có những thay đổi rất cơ bản, chưa nói đến các loại hàng hóa, dịch vụ, quy mô, phạm vi, đối tác… đã mở rộng rất nhiều. Là một đại biểu Quốc hội của ngành y, tôi thấy hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị ngành y tế đang rất vướng mắc. Gần như trong hơn 1 năm vừa qua, đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế bị “đóng băng”, kể cả mua thiết bị nhỏ thay thế cũng không làm được. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Vì vậy, tôi kỳ vọng lần này, Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật phù hợp nhất, tích cực nhất và hiệu quả nhất để giải quyết bất cập trong hoạt động đấu thầu.