Kỳ vọng bước chuyển lớn trong đấu thầu

(BĐT) - Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 23/6 cho thấy các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tán thành cao với những điểm điều chỉnh và đổi mới quan trọng trong Dự thảo Luật này. Báo Đấu thầu ghi nhận những kỳ vọng, gửi gắm của ĐBQH đối với quá trình thực thi Luật thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu thầu.

Tường minh trong hướng dẫn thực thi

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Luật Đấu thầu 2023 có nhiều điểm mới, rất tiến bộ, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trong đánh giá thực tiễn, tồn tại để xử lý.

Vấn đề tôi rất quan tâm là đấu thầu để minh bạch, công khai, bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng tiền, tài sản nhà nước. Hay vấn đề chỉ định thầu, dù trong Luật đã quy định rất rõ nhưng vẫn phải rất cẩn trọng để tránh việc lạm dụng, vận dụng không đúng tinh thần của Luật. Theo đó, các văn bản hướng dẫn, nhất là trong lĩnh vực y tế, tôi cho rằng phải làm rất rõ, tường minh.

Hóa giải tâm lý sợ sai trong mua sắm

Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP.HCM

Với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng, tôi kỳ vọng, khi đi vào thực thi, Luật sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, trong đó có hoạt động mua sắm lĩnh vực y tế.

Cụ thể, Luật Đấu thầu 2023 quy định rõ ràng việc chỉ định thầu áp dụng trong trường hợp cấp bách trong y tế là điều rất quan trọng. Luật Đấu thầu 2013 chưa có quy định về vấn đề này nên khi thực hiện chỉ định thầu thì các cơ quan hữu quan kiểm tra, thanh tra gây nhiều khó khăn cho nhà quản lý, tạo ra những nguy cơ vô tình vi phạm, nảy sinh tâm lý sợ sai trong mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế như vừa qua.

Để tháo gỡ, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế... Những quy định mới này sẽ tháo gỡ cho việc mua sắm cũng như sửa chữa thiết bị y tế.

Tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH Đồng Tháp

Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có những quy định rất rành mạch, cụ thể, nhất là đấu thầu trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt.

Luật bổ sung một điều quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của mô hình máy đặt, máy mượn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả... Tôi cho rằng, đây là một trong những nội dung rất quan trọng trong tổ chức sửa đổi Luật lần này. Tôi hy vọng, với việc Luật được thông qua, ngành y tế có thể mua sắm thuốc, trang thiết bị kịp thời để phục vụ người dân.

Hướng tới bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH Quảng Bình

Việc sửa đổi Luật cơ bản đã bám sát thực tiễn, những vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình thực hiện từ phạm vi, đối tượng áp dụng Luật đến quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan. Theo đó, Luật đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, cụ thể tạo điều kiện cho hoạt động đấu thầu, nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo đảm tính chặt chẽ, tránh kẽ hở, đề phòng lách luật và tạo lợi ích nhóm.

Cùng với đó, Luật đã có những cải cách, điều chỉnh theo hướng giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lâu nay đối với hoạt động đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu mua sắm vật tư y tế, thuốc, hoá chất...

Luật thúc đẩy cạnh tranh công bằng, minh bạch, công khai nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư. Bên cạnh đó, Luật quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, địa phương, các bên tham gia hoạt động mời thầu, chấm thầu… Kỳ vọng Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều điểm tiến bộ

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều điểm tiến bộ so với Luật cũ trong việc gỡ các xung đột, chồng lấn với các luật khác. Ngoài ra, Luật quy định cụ thể, rõ hơn về phạm vi, đối tượng và thẩm quyền của các cấp để rút ngắn thời gian trong đấu thầu, giải phóng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian trước, Luật có những điểm vướng, nhưng nay đã có những đổi mới, cải tiến, thiết kế cơ bản phù hợp.

Hai yếu tố tích cực của Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Sau nhiều năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện. Bởi với Luật Đấu thầu cũ, có tình trạng e ngại thực hiện vì nhiều quy định cứng, chưa đầy đủ, vô hình trung trở thành yếu tố mang tính rào cản, làm chậm trễ việc hiện thực hóa kế hoạch đầu tư công.

Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 2 yếu tố rất đáng ghi nhận.

Thứ nhất, Luật khắc phục những tồn tại, hạn chế trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định theo tinh thần vừa bảo đảm tính chặt chẽ, vừa thuận lợi trong áp dụng.

Thứ hai, Luật bổ sung nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu như: đấu thầu tập trung, đàm phán giá và làm rõ hình thức chỉ định thầu… góp phần tạo thuận lợi cho các chủ thể liên quan trong hoạt động đấu thầu.

Với những điểm tích cực này, tôi hy vọng Luật sẽ củng cố, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu thầu thời gian tới.

Chuyên đề