Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Vũ Lâm Hiển |
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho biết, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gồm 10 Chương, 96 Điều (giữ nguyên số Chương và giảm 3 Điều so với Dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV), tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Vũ Lâm Hiển |
Hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp
Về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn nhà nước, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, đây là nội dung đã được UBTVQH và Chính phủ xem xét kỹ lưỡng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề xuất bãi bỏ Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Tại Kỳ họp thứ 5, UBTVQH đã báo cáo Quốc hội 2 phương án quy định trong Luật về nội dung này: Phương án 1 là giữ như phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, theo đó, quy định đối tượng áp dụng chỉ bao gồm dự án đầu tư của DNNN. Phương án 2 là quy định đối tượng áp dụng bao gồm dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN.
Qua tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại hội trường, một số ý kiến đề nghị chọn phương án 2 để không thu hẹp quá mức đối tượng đấu thầu, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của Nhà nước vào DNNN và vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà DNNN nắm quyền chi phối. Một số ý kiến đề nghị chọn phương án 1 để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
UBTVQH tiếp thu theo hướng nhằm đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức; một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch.
“Vì vậy, UBTVQH báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phương án chỉnh lý phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu bao gồm: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ như thể hiện tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh trình bày.
Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) với số phiếu tán thành cao |
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho hay, trong phiên thảo luận Hội trường tại Kỳ họp thứ 5, nhiều ý kiến ĐBQH tiếp tục góp ý đối với các điều, khoản quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế và một số ĐBQH làm việc trong ngành y tế về những nội dung tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến lĩnh vực y tế.
Theo đó, rà soát, thống nhất về thuật ngữ sử dụng trong Luật; thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; tiếp thu, bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu; chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc tại Điều 56 của Dự thảo Luật.
Về mua sắm tập trung (Điều 53), có ý kiến đề nghị bỏ quy định: “Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh”.
Giải trình về nội dung này, UBTVQH cho hay, theo thông lệ quốc tế, mua sắm tập trung thường áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của Việt Nam, đối với các trường hợp thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít ở từng địa phương, đơn vị nếu tổ chức đấu thầu riêng biệt sẽ khó lựa chọn được nhà cung cấp (do số lượng ít, không hấp dẫn các nhà cung cấp). Do vậy, theo đề nghị của ĐBQH, Dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp mua sắm tập trung đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có nhu cầu sử dụng ở nhiều địa phương, bệnh viện để tạo thành gói thầu mua sắm với số lượng lớn nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp. Do đó, đề nghị giữ như Dự thảo Luật.
Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết. Ảnh: Vũ Lâm Hiển |
Về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế (Điều 55), UBTVQH nhìn nhận, quy định tại Điều 55 Dự thảo Luật đã bao quát các trường hợp mua hóa chất, thiết bị y tế, trong đó đã quy định rõ việc chuyển giao quyền quản lý sử dụng/chuyển giao quyền sở hữu trong từng trường hợp mua sắm cụ thể. Đây là một mô hình mua sắm trọn gói bao gồm từ hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo hành, bảo dưỡng… cũng như quyền sử dụng thiết bị y tế trong một thời gian nhất định. Trên cơ sở quy định nêu trên tại Khoản 4 Điều này đã giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể để thực hiện.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin bổ sung quy định tại Điểm e Khoản 1 của Điều 55 về trường hợp “Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh”.
Đối với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 55 Dự thảo Luật, thực chất là hình thức của mô hình máy đặt - máy mượn mà hiện nay các bệnh viện đang áp dụng và bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, để bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật, ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân, đồng thời bảo đảm để các bệnh viện có thời gian chuyển đổi phù hợp với cơ chế giá khám, chữa bệnh được tính đúng, tính đủ theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Dự thảo Luật quy định chỉ áp dụng quy định này trong thời gian không quá 5 năm kể từ ngày Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. UBTVQH cho rằng, thời hạn áp dụng 5 năm là phù hợp với thực tiễn, đủ đảm bảo thời gian để chuyển sang hình thức khác công khai, minh bạch hơn. Nội dung này đã được Bộ Y tế, các bệnh viện lớn đồng thuận và đảm bảo tính khả thi. Do vậy, UBTVQH được giữ như Dự thảo Luật là 5 năm.
Đối với có ý kiến cho rằng, tại Điểm b Khoản 1 quy định giá gói thầu và giá dự thầu được xác định trên cơ sở số lượng dịch vụ kỹ thuật dự kiến gây khó khăn cho việc xác định giá gói thầu có trên cơ sở số lượng dịch vụ kỹ thuật, vì giá dịch vụ kỹ thuật có thể thay đổi trong thời gian thực hiện hợp đồng, cũng có thể gây những tiêu cực trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế theo cách thức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật tính theo số lượng đầu ra - là cách thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị áp dụng và hiện đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Đây là phương thức mới được đưa vào luật để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện mua hóa chất gắn với “máy đặt, máy mượn” hiện nay, đảm bảo tính khả thi, minh bạch, hiệu quả trong thực hiện. “Do vậy, xin giữ như Dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội báo cáo.
Bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu
Liên quan đến các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay, có ý kiến đề nghị tại Điều 16 cần quy định rõ hơn các hành vi thông thầu và cố ý không cung cấp tài liệu; làm rõ hành vi can thiệp, cản trở đấu thầu qua mạng. Theo đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý Dự thảo Luật, thể hiện 9 nhóm hành vi và chỉnh lý các nội dung cụ thể tại Điều 16; bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần quy định giới hạn số lần chuyển nhượng nhà thầu thứ cấp tại khoản 8 Điều 16. Tuy nhiên, theo UBTVQH, quy định tại Dự thảo Luật nhằm quy định nhà thầu không được bán thầu, cho dù lần đầu chuyển nhượng thầu đã vi phạm hành vi bị cấm và sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 6 tháng đến 5 năm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Vì vậy, Dự thảo Luật không quy định số lần chuyển nhượng thầu.