Sửa đổi Luật Đấu thầu: Động lực mới thúc đẩy sản xuất trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là tiếp tục hoàn thiện nhóm chính sách ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp (DN), hàng hóa trong nước trong đấu thầu. Tại phiên thảo luận ở tổ chiều ngày 7/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là giải pháp cần thiết để góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nhà thầu cũng như hàng hóa trong nước trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện nhóm chính sách nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện nhóm chính sách nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trước Quốc hội sáng ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đấu thầu 2013 chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh.

Để hoàn thiện cơ chế chính sách về vấn đề này, Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa các quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013, đồng thời, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chính sách ưu đãi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định áp dụng ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước, DN nhỏ, DN siêu nhỏ, DN có sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Hai là, bổ sung quy định về ưu tiên, ưu đãi cho DN trong nước sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu, DN khởi nghiệp sáng tạo; ưu tiên, ưu đãi cho các sản phẩm thân thiện môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Ba là, quy định các hình thức ưu tiên, ưu đãi cho từng đối tượng cụ thể, gồm: cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi; cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc vào giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi để so sánh, xếp hạng nhà thầu; ưu tiên đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu; ưu tiên cho DN cấp nhỏ, siêu nhỏ tham dự các gói thầu xây lắp có giá dưới 5 tỷ đồng.

Thay mặt cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến thống nhất với những ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước. Cũng theo ông Nguyễn Phú Cường, có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định đối với một số sản phẩm hàng hóa cụ thể, đặc thù, cần khuyến khích sản xuất trong nước. Ngoài ra, đề nghị rà soát quy định cụ thể các ưu đãi, không quy định chung chung dẫn đến khó áp dụng trong thực tế hoặc tùy nghi áp dụng.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (TP. Hà Nội) cho rằng, sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết, trong đó có việc hoàn thiện nhóm chính sách về ưu tiên, ưu đãi cho DN và hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là khuyến khích DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Theo ông Ấn, Dự thảo Luật cần quy định rõ một số điểm để chính sách có thể đi vào cuộc sống hiệu quả. Ví dụ về năng lực, kinh nghiệm đối với DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vì khi dự thầu, những DN khởi nghiệp khó đáp ứng về hợp đồng tương tự như các DN đã hoạt động nhiều năm trên thị trường. Cùng với đó, cần tính đến quy định về mặt thời hạn để hưởng ưu đãi.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đánh giá, tinh thần của các quy định về ưu tiên hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo… là rất tốt, nhưng Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng để tăng tính khả thi khi thực hiện. Nếu không rõ thì cơ quan thực thi không dám làm, hoặc bị lợi dụng.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, phải cụ thể hóa chính sách ưu đãi cho DN nhỏ và vừa, thúc đẩy DN trong nước phát triển.

Ở góc độ DN, ông Vũ Mai Khanh, Phó Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đánh giá, đây là một trong những sửa đổi quan trọng tại Dự thảo Luật Đấu thầu nhằm nâng cao nội lực cho DN cũng như hàng sản xuất trong nước trong bối cảnh mới.

Theo ông Khanh, nhà thầu cơ khí Việt Nam đang có cơ hội rất lớn gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo. Việc Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện chính sách về nội dung này, với việc đưa ra quy định các hình thức ưu tiên, ưu đãi cho từng đối tượng sẽ là cơ hội để nhà thầu trong nước tăng năng lực cạnh tranh, từ đó có cơ hội bước sang thị trường quốc tế.

Chuyên đề