Phát triển nhờ công nghệ vẫn là “hiện tượng”

(BĐT) - Công nghệ được coi là động lực tăng tưởng, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế, nhất là phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn chỉ là “hiện tượng” và chưa phổ biến.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đối mặt với cạnh tranh

Lễ khởi động Dự án Hỗ trợ kỹ thuật: “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách có liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế” và công bố Báo cáo công nghiệp 2016 được Bộ Công Thương và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội. Dự án được khởi động được xem như một sự hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển công nghiệp Việt Nam vốn còn nhiều tồn tại và hạn chế.

 Trong bài phát biểu tại Lễ khởi động Dự án, đại diện UNIDO cho rằng, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng công nghiệp tương đối cao trong những năm gần đây, song thách thức vẫn còn rất nhiều ở phía trước. Vì thế mà, công nghiệp Việt Nam đang phải nỗ lực cạnh tranh, đổi mới, chuyển dịch cơ cấu lên nấc thang công nghệ cao hơn, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Đồng quan điểm trên, ngay tại Hội thảo: “Việt Nam nắm bắt cơ hội của các FTA mới” do Bộ Công Thương tổ chức trước đó, ông Nguyễn Anh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định: “Ngành công nghiệp chế tạo đang đứng trước bẫy giá trị gia tăng thấp”. Số liệu tổng hợp của đơn vị này ghi nhận, từ năm 1996 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh, song giá trị gia tăng nội địa trong tổng kim ngạch xuất khẩu lại giảm và thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp hơn các quốc gia láng giềng. Ví dụ như, trong ngành công nghiệp ô tô, nếu Thái Lan có tới 694 DN là nhà cung cấp ở cấp độ 1 thì Việt Nam mới có 84 DN; khoảng cách này còn được nới rộng hơn ở cấp độ 2 và 3 khi Thái Lan có 1.700 DN còn Việt Nam chỉ có 145 DN.

Chú trọng ứng dụng công nghệ

Trước bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – sản xuất thông minh, ông Ludovico Alcorta, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu chính sách và thống kê của UNIDO cho rằng, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách công nghiệp nhờ vai trò của công nghệ để đổi mới, phát triển công nghiệp bền vững.  “Công nghệ và đổi mới phát triển kinh tế có liên quan chặt chẽ với nhau. Công nghệ có thể thúc đẩy cả 3 khía cạnh của phát triển công nghiệp bền vững, đó là kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế, nhất là trong ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn còn là “hiện tượng” chưa phổ biến”, ông Ludovico Alcorta nhận định.

Ông Lê Hữu Phúc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương đồng tình, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những chiến lược riêng để phát triển ngành công nghiệp và cũng có những đề xuất trong việc thay đổi đáng kể các chỉ tiêu cụ thể như: giá trị gia tăng, giá trị sản phẩm công nghệ cao với 3 nhóm ngành công nghiệp được ưu tiên (chế biến và chế tạo; điện tử viễn thông; năng lượng mới tái tạo). Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần những chính sách cụ thể, bởi thực tế những chính sách hiện tại chưa phát huy hiệu quả, chưa tạo động lực thực sự cho phát triển công nghiệp.

Khẳng định vai trò của đổi mới công nghệ, tuy nhiên nêu ý kiến tại Lễ khởi động Dự án, nhiều chuyên gia khuyến nghị: “Bài học quan trọng nhất cho sự phát triển công nghiệp bền vững của Việt Nam vẫn chính là huy động sức mạnh nội lực và được cụ thể hóa bằng những chính sách. Nguồn lực bên ngoài chỉ là sự bổ sung làm gia tăng cho năng lực nội tại mà thôi”.

Chuyên đề