Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long: Bài toán nan giải

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong những năm qua, hạn hán và nước mặn xâm nhập không chỉ ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng, vật nuôi mà còn khiến cho hàng trăm nghìn hộ dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất. Các tỉnh trong khu vực đang đề xuất nhiều dự án để giải quyết tình trạng này, nhưng khó khăn còn rất lớn.
Nhiều tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai các dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ cho đời sống người dân và sản xuất. Ảnh minh họa: NC st
Nhiều tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai các dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ cho đời sống người dân và sản xuất. Ảnh minh họa: NC st

Nhu cầu vốn rất lớn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự án Trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn tại khu vực sông Cửu Long là dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư 1.104 tỷ đồng sẽ sớm được triển khai trong năm 2022.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng các công trình trữ nước, tạo nguồn, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân tại các vùng khan hiếm nước, hải đảo, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng ven biển, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán thuộc 7 tỉnh: Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, với khoảng 132.242 hộ dân. Dự án sẽ có khoảng 80 công trình cung cấp nước sinh hoạt và xây dựng mới 1 hồ chứa nước ngọt trên đảo Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang với dung tích khoảng 230.000 m3.

Tại Bến Tre, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn đang ráo riết lập các dự án hồ chứa nước ngọt tự nhiên và nhân tạo để trữ nước ngọt phục vụ cho mùa khô cận kề. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trước mắt Tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa với thiết kế chứa nước ngọt đạt 1,3 triệu m3 có tổng mức đầu tư trên 352 tỷ đồng. Bến Tre cho biết với số kinh phí trên, địa phương phải phụ thuộc vào ngân sách trung ương.

Tại Cà Mau, Dự án Xây dựng hồ sinh thái chứa nước ngọt tại vườn quốc gia U Minh Hạ với kinh phí 10 triệu USD đang được Tỉnh đề xuất với Ngân hàng Thế giới để sớm triển khai thực hiện.

Long An đã tiến hành lập Dự án Đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa. Tổng mức đầu tư hơn 718 tỷ đồng, tổng diện tích khoảng 140 ha, trong đó, diện tích mặt hồ hơn 106 ha.

Tỉnh Trà Vinh đề xuất bổ sung Dự án Hạ tầng hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé vào quy hoạch với tổng mức đầu tư 2.864 tỷ đồng, nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước tại các huyện Châu Thành, Càng Long và TP. Trà Vinh. Tỉnh Sóc Trăng cũng tính đến giải pháp xây dựng các hồ chứa nước ngọt phục vụ cho đời sống người dân và sản xuất bằng cách thu hút doanh nghiệp tham gia…

Nhiều khó khăn phát sinh

Thực tế, nhiều dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt dự trữ tại khu vực miền Tây đang gặp khó khăn. Có thể kể đến Dự án Quản lý nước Bến Tre với quy mô vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng đang bị chậm tiến độ. Theo Ban Quản lý dự án 9 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số gói thầu xây lắp của Dự án bị ảnh hưởng do biến động giá vật liệu xây dựng cũng như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Chỉ tính giá vật liệu xây dựng tăng phi mã đã phát sinh chi phí hơn 700 tỷ đồng. Riêng Gói thầu XL4-JICA3 Xây lắp cống Tân Phú và cống Bến Rớ đã đấu thầu xong từ đầu năm 2021 nhưng ngay khi khởi công, mọi công tác bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Khó khăn huy động nguồn vốn cho dự án hồ chứa nước ngọt dự trữ là hiện hữu đối với tất cả các tỉnh miền Tây cũng như toàn ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, việc triển khai các dự án hồ chứa nước còn gặp khó do vướng quy hoạch. Dự án hồ chứa nước ngọt thường có diện tích lớn, ảnh hưởng nhiều đến đất của người dân, đất trồng cây, đất rừng…, nên để triển khai dự án tốn thời gian, chờ điều chỉnh quy hoạch. Trong khi đó, công tác xã hội hóa về cấp nước chưa có hướng đi cụ thể. Khu vực triển khai dự án mức sống của dân cư còn nghèo, sinh sống thưa thớt, phân tán nên rất khó kêu gọi các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, sẽ ưu tiên tối đa nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn vay ODA để dồn sức cho các dự án trọng điểm, bảo đảm nguồn nước ngọt an toàn cho cư dân trong vùng.

Chuyên đề