Ngân hàng Nhà nước sẽ nhận hơn 6.000 tỉ đồng cổ tức từ BIDV, VietinBank, Vietcombank

0:00 / 0:00
0:00

Ngân hàng Nhà nước sẽ nhận khoảng 6.025 tỉ đồng cổ tức tiền mặt từ ba ngân hàng gồm BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Ngân hàng Nhà nước sẽ nhận hơn 6.000 tỉ đồng cổ tức tiền mặt từ ba ngân hàng thương mại Nhà nước. (Ảnh: NHNN cung cấp).
Ngân hàng Nhà nước sẽ nhận hơn 6.000 tỉ đồng cổ tức tiền mặt từ ba ngân hàng thương mại Nhà nước. (Ảnh: NHNN cung cấp).

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ dùng gần 3.000 tỉ đồng từ lợi nhuận năm 2019 cho việc trích lập các quỹ, gồm: dự trữ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, khen thưởng phúc lợi - theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 đã được hội đồng quản trị của ngân hàng thông qua ngày 18-12-2020.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ dùng gần 3.218 tỉ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 8%, ngày thanh toán cổ tức là 3-2-2021. Sau khi chia cổ tức và trích các quỹ, lợi nhuận còn lại là hơn 2.073 tỉ đồng, BIDV sẽ sử dụng để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Với tỷ lệ sở hữu tại BIDV là 80,99%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ nhận hơn 2.606 tỉ đồng tiền cổ tức. Còn cổ đông chiến lược là KEB Hana Bank sẽ nhận về gần 483 tỉ đồng nhờ 15% cổ phần tại ngân hàng này.

Trước đó, VietinBank và Vietcombank cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ lần lượt là 5% và 8%.

Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ chi khoảng 2.967 tỉ đồng tiền mặt để trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, hơn 2.219 tỉ đồng cổ tức thuộc về NHNN – do cơ quan này nắm 74,8% cổ phần tại ngân hàng.

Với VietinBank, quy mô chi trả cổ tức tiền mặt của ngân hàng này là gần 1.862 tỉ đồng. Trong đó, NHNN sẽ nhận được 1.200 tỉ đồng nhờ nắm giữ 64,46% số cổ phần tại ngân hàng.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ nhận khoảng 6.025 tỉ đồng cổ tức tiền mặt từ ba ngân hàng.

BIDV là ngân hàng có tổng thu nhập - thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư, lãi thuần từ HĐKD khác – lớn nhất trong hệ thống ngân hàng năm 2019 với 48.166 tỉ đồng – tăng 9% so với năm 2018, nhờ sở hữu quy mô tài sản lớn nhất hệ thống với hơn 1,49 triệu tỉ đồng.

Xếp sau ngân hàng này về tổng thu nhập lần lượt là Vietcombank với 45.733 tỉ đồng và VietinBank với 39.957 tỉ đồng.

Về kết quả kinh doanh năm 2019, Vietcombank vẫn giữ vị trí "quán quân" về lợi nhuận khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt mức 23.123 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2018, theo thống kê từ báo cáo tài chính và thông tin công bố của 24 ngân hàng trong nước.

Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank cũng cao hơn 1,8 lần Techcombank - ngân hàng xếp ở thứ hai trong danh sách với mức lợi nhuận là 12.838 tỉ đồng.

VietinBank, BIDV cũng nằm trong nhóm ngân hàng có mức lợi nhuận trước thuế vượt trên 10.000 tỉ đồng khi lần lượt ghi nhận 11.780 tỉ đồng và 10.876 tỉ đồng. Đáng chú ý là VietinBank nằm trong nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 50%, gồm: VietinBank - tăng 80%; TPBank - tăng 71%; Agribank - tăng 69%; LienVietPostBank - tăng 68%, VietBank - tăng 53%.

Về lợi nhuận sau thuế, Vietcombank tiếp tục là “quán quân” lợi nhuận trong ngành ngân hàng khi ghi nhận mức lợi nhuận là 18.525,9 tỉ đồng, tăng 26,7% so với năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ mức 0,97% ở thời điểm đầu năm 2019 xuống còn 0,77% ở thời điểm cuối năm 2019.

VietinBank cũng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 9.467,9 tỉ đồng - tăng 83% so với năm 2018 và vượt 26% kế hoạch năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm là 1,2%, giảm đáng kể so với mức 1,59% ghi nhận ở thời điểm cuối năm 2018.

Còn BIDV ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2019 ở mức 8.547,7 tỉ đồng, tăng 14,27% so với năm 2018.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư