Lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất: Băn khoăn tiêu chí đánh giá sơ bộ năng lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bước công bố danh mục dự án lồng ghép với đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án có sử dụng đất là chìa khóa quan trọng để quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư sau đó. Tuy nhiên nhiều dự án chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, nguyên nhân là gì?
Nhiều dự án có sử dụng đất chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm tham gia và đáp ứng được yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án có sử dụng đất chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm tham gia và đáp ứng được yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Ảnh: Lê Tiên

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Giang, các dự án sử dụng đất trên địa bàn Tỉnh chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hầu hết các dự án chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia và đáp ứng được yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, mặc dù UBND Tỉnh đã gia hạn thời gian đăng tải thông tin.

Nguyên nhân chủ yếu, theo Sở KH&ĐT Bắc Giang, là các dự án nằm trong lĩnh vực bất động sản, sự hấp dẫn nhà đầu tư phụ thuộc vào điều kiện của thị trường, trong khi điều kiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại rất chặt chẽ đối với lĩnh vực đầu tư dự án bất động sản, các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc huy động tài chính để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản nhiều biến động, trong đó chính sách của Nhà nước chưa đảm bảo tính ổn định, nên dễ gặp rủi ro trong quá trình thực hiện vận hành dự án. Đây có thể là những lý do dẫn đến tình trạng ít nhà đầu tư tham gia cạnh tranh thực hiện dự án.

Ở một góc nhìn khác, một số nhà đầu tư chia sẻ, vẫn còn một số dự án ngay từ bước công bố danh mục đã đưa ra những tiêu chí có thể làm nản chí không ít nhà đầu tư.

Đơn cử, một dự án khu dân cư có sơ bộ tổng chi phí thực hiện khoảng 200 tỷ đồng khi công bố danh mục dự án, ngoài yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, đưa ra tiêu chí khác là “Nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án thuộc top 10 doanh nghiệp tín nhiệm nhất Việt Nam của hệ thống ngành kinh tế trong 3 năm gần nhất và có cam kết nộp ngân sách nhà nước giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng”. Tuy dự án này chưa hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện để biết số lượng nhà đầu tư tham dự, nhưng theo ý kiến chuyên gia, việc đưa ra tiêu chí này là khó hiểu đối với dự án xây dựng khu dân cư không có yếu tố đặc biệt.

Một số dự án ở bước này yêu cầu về năng lực tài chính gồm tiêu chí vốn chủ sở hữu tối thiểu và có thư xác nhận, văn bản cam kết cung ứng tín dụng của từ các tổ chức tài chính, tín dụng để thực hiện dự án đảm bảo không thấp hơn tổng chi phí thực hiện dự án trừ phần vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư. Đây là tiêu chí được khá nhiều dự án đưa ra ở bước mời quan tâm, đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư.

Theo một số ý kiến, tiêu chí có cam kết cho vay vốn của tổ chức tín dụng là tiêu chí quan trọng để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, chắc chắn sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu. Nếu đưa ra ở bước công bố danh mục dự án, đánh giá sơ bộ, năng lực kinh nghiệm, một số trường hợp cũng có thể là chưa tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, vì ở bước này khi thông tin dự án chưa nhiều, việc có cam kết cho vay vốn của tổ chức tín dụng có thể khó khăn, nhất là trường hợp nhà đầu tư tiếp cận thông báo mời quan tâm sát thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký.

Một chuyên gia về đấu thầu phân tích, Phụ lục III: mẫu thông báo mời quan tâm; yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm ban hành kèm theo Thông tư 06/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã đưa ra những hướng dẫn về yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo đó, ngoài yêu cầu về năng lực tài chính, kinh nghiệm, căn cứ quy mô, tính chất, lĩnh vực và điều kiện đặc thù, riêng biệt (nếu có) của dự án, đưa ra các tiêu chí phù hợp khác. Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, việc đưa ra các tiêu chí khác phải bảo đảm tính hợp lý, giải trình được, không hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư có năng lực.

Chuyên đề