Từ ngày 5/11/2020, nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh: Lê Tiên |
Một trong những nền tảng của cơ chế giải trình trách nhiệm là việc công khai các thông tin một cách kịp thời và toàn diện. Các chính sách đã không ngừng được nâng cấp nhằm mục tiêu tối đa hóa tính công khai, minh bạch thông tin.
Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao quy định sau bước công bố danh mục dự án, trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án thì được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu. Quy định này dẫn đến tình trạng thông tin dự án chưa thực sự được công khai rộng rãi đến các nhà đầu tư cũng như cộng đồng, dân cư. Từ đó, xuất hiện thực trạng hình thức chỉ định thầu được áp dụng tràn lan đối với các dự án BOT, BT trong thời gian dài. Ngay trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo đã điều chỉnh quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP theo hướng: sau khi công bố dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức sơ tuyển năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư; trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án thì mới được áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP đã tạo một bước tiến quan trọng về minh bạch thông tin. Theo đó, nội dung cơ bản của hợp đồng PPP đã được ký kết sẽ phải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sau 7 ngày làm việc kể từ ngày ký kết. Trong đó phải công khai các thông số cơ bản để giám sát chất lượng công trình, dịch vụ nhà đầu tư cung cấp trong giai đoạn vận hành; tổng vốn đầu tư; vốn nhà đầu tư góp và huy động; phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án (nếu có); thời hạn hợp đồng, thời điểm dự kiến chuyển giao công trình dự án (nếu có); giá, phí hàng hóa, dịch vụ; quỹ đất, tài sản công tại cơ quan nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư hoặc quyền cùng khai thác công trình đối với dự án BT...
Luật PPP tiếp tục tạo bước tiến mới về công khai, minh bạch thông tin dự án PPP, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đến giai đoạn thực hiện hợp đồng. Các thông tin chủ yếu phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ thông tin về quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án PPP; thông tin về lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP. Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP phải công bố gồm tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án; giá, phí sản phẩm, dịch vụ; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có) và các thông tin cần thiết khác. Cùng với các thông tin khác như giá trị quyết toán vốn đầu tư công trong dự án PPP trong trường hợp có sử dụng; cơ sở dữ liệu về nhà đầu tư; thông tin giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP...
Đến Thông tư 06/2020/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 5/11/2020 cũng yêu cầu, căn cứ quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, để tăng cường minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, việc đăng tải thông tin và một số bước trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cụ thể là việc phát hành, sửa đổi, làm rõ yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; nộp, làm rõ hồ sơ đề xuất thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; phát hành hồ sơ mời sơ tuyển của tất cả các dự án PPP áp dụng sơ tuyển, hồ sơ mời thầu của dự án PPP không áp dụng sơ tuyển; hồ sơ mời thầu của dự án đầu tư có sử dụng đất; sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, gia hạn thời điểm đóng thầu (nếu có)...
Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, nhằm tăng khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư, từ đó tăng số lượng nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án, sau khi đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thông tin về danh mục dự án, thông báo mời quan tâm được trích xuất và đăng tải trên Báo Đấu thầu.
Đặc biệt, từ ngày 5/11/2020, nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư truy cập vào Hệ thống mạng đấu thấu quốc gia và tiến hành đánh giá hồ sơ. Việc làm rõ hồ sơ (nếu có) được Sở Kế hoạch và Đầu tư và nhà đầu tư thực hiện trên Hệ thống.
Trường hợp gia hạn thời gian nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, gia hạn thời điểm đóng thầu trên Hệ thống, Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên mời thầu đăng tải thông báo gia hạn kèm theo quyết định về việc gia hạn trên Hệ thống
Quy định nộp hồ sơ đăng ký cũng như một số bước khác trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thấu quốc gia, thay vì nộp trực tiếp tại cơ quan nhà nước, theo chuyên gia PPP, sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tăng minh bạch, cạnh tranh trong bước đánh giá về năng lực, kinh nghiệm để quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất này.
Bên cạnh đó, danh mục dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa phải được đăng tải trên Hệ thống trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày danh mục dự án được phê duyệt.