Tính đến 16h ngày 30/1/2021, có 34 dự án có sử dụng đất đã mở hồ sơ đăng ký qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó có 22 dự án có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký. Ảnh: Lê Tiên |
Thống kê sơ bộ từ sau khi NĐ 25 có hiệu lực đến ngày 4/11/2020 - trước ngày Thông tư 06 có hiệu lực (5/11/2020), trên 80% số dự án công bố kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm (NLKN) của nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thấu quốc gia có 1 nhà đầu tư đáp ứng NLKN thực hiện. Trong số này, đa số là các trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký, một số dự án có 2 nhà đầu tư đăng ký thì 1 nhà đầu tư bị loại.
Sau khi Thông tư 06 có hiệu lực thi hành, nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Quy định này cùng với nhiều quy định khác tại Thông tư 06 được kỳ vọng tăng cạnh tranh cho các dự án, thu hút nhà đầu tư quan tâm đăng ký nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong số dự án đã mở hồ sơ đăng ký qua mạng đến thời điểm này, dự án có 1 nhà đầu tư đăng ký vẫn chiếm đa số. Tính đến 16h ngày 30/1/2021, có 34 dự án đã mở hồ sơ đăng ký qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó có 22 dự án có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký, 9 dự án có 2 nhà đầu tư đăng ký và 3 dự án có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký.
Có thể thấy ngay từ bước nộp hồ sơ đăng ký thực hiện, nhiều dự án đã thưa vắng nhà đầu tư nộp hồ sơ và sau đó có thể kéo theo chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về NLKN.
Theo một số nhà đầu tư, có dự án ngay từ trong yêu cầu sơ bộ về NLKN đã có những quy định được cho là khá khó để đáp ứng ngay ở bước này dù có NLKN.
Đơn cử như 3 dự án Nhà máy Điện gió Cư Né 1, Krông Búk 1, Krông Búk 2, ngoài những tiêu chí đánh giá sơ bộ về NLKN theo quy định, thì còn yêu cầu thêm về đo gió: “Tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, nhà đầu tư phải cung cấp báo cáo kết quả đo gió tại khu vực dự án đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương. Trong trường hợp số liệu đo gió không phải của nhà đầu tư thực hiện dự án thì số liệu đó phải có xác nhận bởi cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cho phép khảo sát, đo gió tại khu vực dự án”. Một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này chia sẻ, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 02/2019/TT-BCT, dự án điện gió phải có báo cáo kết quả đo gió tại khu vực dự án trước khi lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Việc đo gió được thực hiện trong thời gian tối thiểu là 12 tháng liên tục tại các vị trí có tính đại diện, số lượng cột đo gió đảm bảo phù hợp với sự biến đổi địa hình khu vực dự án... Việc có được kết quả đo gió như yêu cầu trên trong thời gian 30 ngày là khá khó khăn đối với một số nhà đầu tư mới, chưa đầu tư, nghiên cứu đầu tư tại khu vực dự án. Trong khi đó, những nhà đầu tư đã thực hiện đo gió tại khu vực dự án không dễ dàng cung cấp kết quả này cho nhà đầu tư khác.
Hay Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 (tại Ninh Thuận), công suất 1.500 MW có tổng vốn đầu tư sơ bộ 49 nghìn tỷ đồng, tuy chưa có kết quả mở hồ sơ đăng ký, nhưng một số ý kiến cũng lo ngại khi ngoài những yêu cầu sơ bộ về năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư, còn rất nhiều điều kiện và cam kết khác được đưa ra dù Dự án mới ở bước mời quan tâm, đánh giá sơ bộ NLKN