Lọc dầu Dung Quất có thể được giải cứu bằng cơ chế giá

Nếu kiến nghị của Bộ Tài chính được Thủ tướng phê duyệt, Lọc dầu Bình Sơn sẽ được phép tự tính giá bán xăng dầu để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Quy mô đầu tư vào dự án Dung Quất đã lên tới 5 tỷ USD.
Quy mô đầu tư vào dự án Dung Quất đã lên tới 5 tỷ USD.

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi về cơ chế cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giúp đơn vị này thoát khỏi khó khăn.

Cụ thể, lãnh đạo ngành tài chính cho biết đã có công văn xin ý kiến các Bộ ngành và UBND tỉnh Quảng Ngãi về dự thảo quyết định của Thủ tướng nhằm sửa đổi, bổ sung quyết định số 952 về cơ chế tài chính cho Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Việc sửa đổi sẽ theo hướng ngân sách chỉ thu điều tiết đối với mặt hàng xăng ở mức 10% (so với mức tương đương thuế nhập khẩu 20% hiện nay).

Bộ Tài chính cho biết, khi phương án sửa đổi cơ chế được Thủ tướng phê duyệt thì Bình Sơn được tự quyết định giá bán sản phẩm để cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.

Trước đó, dù được Nhà nước cho giữ lại phần tiền tương đương 3-7% thuế nhập khẩu xăng dầu (tức là có thể dùng phần tiền này bù đắp chi phí, giảm giá bán), nhưng Dung Quất vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được vì giá thành cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN.

Một trong những nguyên nhân là từ dầu năm 2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, các loại dầu từ khu vực ASEAN về 0% trong khi mức đối với Dung Quất vẫn là 20% và 5 %. Do đó, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro, Thanh Mễ, Petimex… đã đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc, ASEAN và giảm lượng mua của Dung Quất.

Chênh lệch thuế áp với Dung Quất so với một số nước có FTA

Sản phẩm từ Dung Quất hiện phải giảm giá 1-2 USD một thùng để níu giữ khách hàng. Do đó, phía Lọc dầu Bình Sơn kiến nghị được xin cơ chế riêng tính giá bán xăng dầu.

Trước đó, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư ban đầu khoảng 3 tỷ USD, và tiếp tục mở rộng lên gần 5 tỷ USD năm 2015. Song, trong một báo cáo gửi lên Chính phủ giữa năm đó, PetroVietnam cũng tiết lộ mức lỗ "khủng" của nhà máy này từ khi đi vào vận hành.

Cụ thể, lũy kế từ khi đi vào vận hành thương mại đến năm 2014 đơn vị này lỗ khoảng 27.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ có ưu đãi nên thực tế, đơn vị này còn lỗ 1.048 tỷ đồng. Đến năm 2015, Bình Sơn báo lãi 6.000 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư