Ảnh minh họa. |
Đến hẹn lại "kêu"
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án lọc hoá dầu đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành thương mại được 7 năm. Trong suốt 7 năm vận hành nhà máy đã nhận được hàng loạt ưu đãi như thời gian khấu hao dự án 20 năm, được hưởng mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%, sản phẩm hoá dầu là 3%...
Ngoài ra, dự án cũng được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 20 năm, thấp hơn nhiều so với mức thuế mà các doanh nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất được hưởng. Đồng thời, dự án cũng được miễn thuế 4 năm và giảm đến 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, mỗi năm ít nhất một lần Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất đều có văn bản gửi các Bộ ngành liên quan thậm chí Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ tính trong năm 2015 đã có ít nhất 3 lần PVN, BSR gửi văn bản lên Liên Bộ Tài chính - Công Thương, Thủ tướng Chính phủ kể khó và đề xuất chính sách giảm thuế, tạo cơ chế cho doanh nghiệp.
Mới đây nhất, trong những ngày đầu tiên của năm 2016, văn bản do lãnh đạo PVN soạn thảo cũng được gửi lên Liên Bộ và Thủ tướng cảnh báo nguy cơ “bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới” và lý do được đại diện PVN đưa ra là mức thuế mà các sản phẩm xăng, dầu của Dung Quất đang chịu quá cao so với mức thuế áp trên các mặt hàng xăng dầu nhập từ các nước trong khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản… theo lộ trình cam kết tại các FTA.
“Việc chênh lệch thuế đối với mặt hàng dầu đã gây khó khăn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc tiêu thụ sản phẩm nên việc tiếp tục chênh lệch thuế nhập khẩu đối với xăng sẽ gây thêm áp lực tiêu thụ và làm xáo trộn tình hình sản xuất của nhà máy”, văn bản của PVN cho biết.
Đại diện PVN cũng nhấn mạnh, việc không tiêu thụ được sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của nhà máy và hiệu quả kinh doanh của BSR.
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR cũng cho biết, ngay từ lần đầu tiên kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế BSR đã kỳ vọng cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh vì vấn đề này quá cấp thiết liên quan đến sự sống còn của nhà máy.
Phản hồi về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được đề nghị và đang theo dõi, nghiên cứu để có ý kiến xử lý. Quan điểm của Bộ là sẽ xem xét để đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.
Ông Thi cũng cho biết, trên bình diện chung, mỗi chính sách đưa ra được áp dụng trên mặt bằng chung của đất nước, doanh nghiệp làm ăn có lãi hay không còn phải phụ thuộc vào hiệu quả, tổ chức sản xuất kinh doanh và nhiều yếu tố khác.
Lỗ nặng nếu không được ưu đãi
Theo báo cáo tình hình hoạt động của nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2010 khi mới đi vào vận hành, Dung Quất có lãi 119 tỷ đồng. Tuy nhiên 2 năm liên tiếp sau đó nhà máy bị lỗ với các mức tương ứng là 2.959 tỷ đồng và 1.289 tỷ đồng.
Mặc dù năm 2013 có lãi 2.932 tỷ đồng và năm 2014 là 149 tỷ đồng, song tính chung cả giai đoạn từ 2010 đến 2014 nhà máy vẫn lỗ 1.048 tỷ đồng.
PVN cũng thừa nhận kết quả sản xuất kinh doanh của Dung Quất chịu tác động rất lớn từ cơ chế ưu đãi, thậm chí nếu không được ưu đãi, số lỗ của nhà máy này có thể lên đến 27.600 tỷ đồng.
Thậm chí chính các khoản nợ là nguyên nhân khiến cuộc “hôn nhân” từng được kỳ vọng giữa BSR và Tập đoàn Gazprom Neft (Nga) đổ bể, phía Nga đã gửi văn bản đề nghị dừng đàm phán việc mua lại 49% cổ phần tại BSR.
Trong các văn bản được PVN, BSR gửi đi, bên cạnh việc trình bày khó khăn, doanh nghiệp cũng dẫn ra ảnh hưởng doanh thu, lợi nhuận cũng như các khoản nộp ngân sách của nhà máy chịu tác động.
Cụ thể, trong một văn bản từng gửi Bộ Tài chính, PVN cho biết, nếu Dung Quất được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt như hàng hóa có xuất xứ từ khu vực ASEAN, thì các khoản nộp ngân sách của nhà máy này sẽ giảm 14.305 tỷ đồng ngay trong năm 2015, và giảm tiếp mỗi năm 16.251 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 – 2018.