Lập kế hoạch và chuẩn bị đầu tư dự án: Đầu xuôi đuôi mới lọt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ giải ngân nhiều dự án đầu tư công là do phải điều chỉnh dự án nhiều lần, xuất phát từ việc chuẩn bị đầu tư chưa tốt, đôi khi còn mang tính hình thức. Kế hoạch đầu công năm 2022 đang được các bộ, ngành, địa phương xây dựng, việc chú trọng hơn chất lượng lập kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án đầu tư là rất cần thiết để “đầu xuôi đuôi lọt”.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 33 dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh hiệp định vay, trong đó bộ, cơ quan trung ương là 12 dự án, địa phương là 21 dự án. Ảnh: Đông Giang
Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 33 dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh hiệp định vay, trong đó bộ, cơ quan trung ương là 12 dự án, địa phương là 21 dự án. Ảnh: Đông Giang

Theo ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), công tác chuẩn bị xây dựng kế hoạch, xây dựng các dự án đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến thực hiện kế hoạch, triển khai dự án sau này.

Tuy nhiên, qua theo dõi, tổng hợp việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, Bộ KH&ĐT đánh giá, chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công ở một số nơi còn bất cập, mang tính hình thức, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công, giải ngân.

Công tác chuẩn bị thủ tục cần thiết để giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 cho các dự án tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu chủ động. Nhiều dự án chuyển tiếp đã quá thời gian quy định nhưng các bộ, cơ quan và địa phương chưa báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn, gia hạn hiệp định, thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Còn cơ quan bố trí vốn cho dự án chưa hoàn thành thủ tục gia hạn thời gian giải ngân, đang trong quá trình đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay…

Công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn sơ sài, chất lượng kém, phê duyệt dự án chưa bảo đảm đầy đủ các quy định hiện hành; vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn. Vì thế, khi dự án được quyết định đầu tư và triển khai thực hiện mới phát sinh nhiều vấn đề, không phù hợp với thực địa thi công dẫn đến phải điều chỉnh dự án, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 33 dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh hiệp định vay, trong đó bộ, cơ quan trung ương là 12 dự án, địa phương là 21 dự án.

Chia sẻ tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2022 do Bộ KH&ĐT tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, chuẩn bị dự án là khâu rất yếu. Nếu ở các nước chuẩn bị 5 - 7 năm với dự án nhóm A, sau đó thi công trong 1 năm, thì ở Việt Nam nhiều trường hợp ngược lại, chuẩn bị dự án 1 năm, thi công 5 - 7 năm hoặc dài hơn nữa. Theo ông Toàn, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư rất quan trọng, là một trong những ưu tiên bố trí. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn năm 2022 dự kiến bố trí cho công tác chuẩn bị đầu tư của một số địa phương còn thấp. Các địa phương cần có sự điều tiết, chấn chỉnh lại nội dung này, để nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Ngày 16/9/2021, chỉ đạo về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Các bộ, cơ quan, địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò tiên quyết, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ và hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động bố trí một phần vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 để chuẩn bị đầu tư đối với các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên dự án khởi công mới năm 2022.

Đối với việc xây dựng, điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, Bộ KH&ĐT lưu ý các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần chú trọng công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, chỉ bố trí vốn cho dự án đã có thủ tục đầu tư theo quy định, lập kế hoạch sát với khả năng thực hiện, năng lực hấp thụ vốn. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đất đai để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công...

Chuyên đề