Hoa khôi Duyên dáng Doanh nhân Việt Nam 2015 Nguyễn Thị Lan Phương |
Xin chào chị Lan Phương, là người đại diện cho nét duyên dáng của nữ doanh nhân Việt Nam, chị có nhận định gì về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016?
Thời gian qua, kinh tế thế giới phục hồi chậm đã tác động nhiều đến nền kinh tế nước ta. Tuy vậy, với sự điều hành sát sao của Chính phủ, nền kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Với kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà hiện nay Việt Nam đang triển khai, cá nhân tôi “dự cảm” về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016 là tốt hơn so với năm 2015.
Doanh thu có xu thế được cải thiện, giá bán bình quân năm 2016 sẽ tăng lên, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị sẽ tốt hơn rất nhiều so với năm 2015. Năm 2016, lượng đơn đặt hàng cũng tăng nhờ nhu cầu thị trường cả trong nước và quốc tế đều cải thiện. Đây là năm mà doanh nghiệp có cơ hội lớn để tiến vào những thị trường lớn của thế giới, đồng thời tiếp thu công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2016, doanh nghiệp của chúng ta vừa có nhiều cơ hội vừa phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức do hội nhập mang lại (tham gia Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do). Theo chị, làm thế nào để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội trong hội nhập?
Khi hội nhập, cùng với các hiệp định thương mại tự do mới, trong môi trường kinh tế biến động, yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là khả năng đề kháng và năng lực tự đổi mới, tự phát hiện những yếu kém để từng bước có những thay đổi thích hợp. Doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tạo nên sự khác biệt là động lực chủ yếu để phát triển, tìm kiếm thị phần, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời quảng bá tối đa hình ảnh, tiềm năng, lợi thế nhằm kêu gọi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Hơn nữa, doanh nghiệp cần học quản trị sự bất định thông qua việc hiểu và sử dụng hiệu quả các công cụ phòng chống rủi ro, biến cái bất định thành cái xác định; Nắm bắt mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô để có thể tiên liệu về thay đổi chính sách là cơ sở cho những điều chỉnh bộ phận hay điều chỉnh tổng thể chiến lược kinh doanh.
Và nếu coi thách thức lớn nhất của doanh nghiệp trong hội nhập chính là làm sao để tận dụng được cơ hội do hội nhập mang lại thì chị bình luận gì về điều này?
Mọi xu thế vừa là cơ hội, vừa là thách thức; không có xu thế nào chỉ đơn thuần là thời cơ hoặc thách thức; thời cơ và thách thức luôn đan xen nhau và có thể chuyển hóa thành nhau, cơ hội thành thách thức, và ngược lại thách thức thành thời cơ. Điều quan trọng là doanh nghiệp thấy đúng và xử lý tốt tính chất và mức độ thời cơ, thách thức của từng xu thế.
Mối quan hệ tương tác giữa thời cơ và thách thức chính là một thách thức lớn tạo ra thời cơ lớn mà mỗi doanh nghiệp phải nắm lấy để tận dụng, vươn lên. Các doanh nghiệp luôn hiểu rõ hơn ai hết về những khó khăn, vướng mắc của mình và nếu không tìm được cách giải quyết, thì sẽ cầm chắc thất bại. Lâu nay, doanh nghiệp hay bị phê phán là không quan tâm đến hội nhập, năng lực cạnh tranh yếu, không tận dụng cơ hội từ mở cửa thị trường...
Điều này đúng, nhưng chưa đủ, bởi doanh nghiệp Việt Nam đang dò dẫm trong hội nhập với những gánh nặng quá lớn. Các doanh nghiệp thiếu thông tin cụ thể, thiếu những hướng dẫn rõ ràng, thiếu các đầu mối giải thích cam kết… Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng doanh nghiệp chưa tận dụng, nắm bắt được các cơ hội to lớn mà các cam kết thương mại quốc tế mang lại. Đây chính là thách thức lớn nhất của DN trong hội nhập.
Xin cảm ơn chị đã tham gia trò chuyện cùng Báo Đấu thầu. Chúc chị đón năm mới 2016 với niềm vui tròn đầy, luôn xinh đẹp và thành công!