“Kích” vốn cho doanh nghiệp nhỏ

(BĐT) - Bên cạnh vấn đề tiêu thụ hàng hoá trước tác động lớn của các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thì vấn đề lãi suất, tiếp cận vốn vẫn là quan tâm lớn của các doanh nghiệp nhỏ.
Đầu tháng 1/2016, các ngân hàng ở TP.HCM đã ký kết gói hỗ trợ 211.500 tỷ đồng và 15 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Tất Tiên
Đầu tháng 1/2016, các ngân hàng ở TP.HCM đã ký kết gói hỗ trợ 211.500 tỷ đồng và 15 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Tất Tiên

Đối mặt nhiều nỗi lo

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2016, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề đáng quan ngại do chịu tác động từ sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu từ Việt Nam nhưng vẫn tăng xuất khẩu sang nước ta, tạo áp lực lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV. Chưa kể đồng USD có thể tăng giá mạnh, nhập siêu tăng sẽ gây sức ép lên tỷ giá, áp lực cạnh tranh, hệ quả của một số FTA và thị trường AEC có hiệu lực, càng đè nặng lên các DNNVV.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính khiêm tốn của các DNNVV trước hội nhập vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp. Nhất là thống kê gần đây cho thấy, trong hơn 800.000 DNNVV (tính đến cuối năm 2015) thì chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp (DN) tiếp cận được với nguồn vốn qua kênh ngân hàng, còn 70% không tiếp cận được ngân hàng.

Trong hơn 800.000 DNNVV (tính đến cuối năm 2015) thì chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn qua kênh ngân hàng, còn 70% không tiếp cận được ngân hàng
Tại một hội thảo về doanh nghiệp nhỏ mới đây ở TP.HCM, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM cho biết, số DN ngưng hoạt động và giải thể hầu hết vẫn là DNNVV. Trong khi đó, tác động của các FTA và AEC với các DNNVV là rất lớn, nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn, nhất là chính sách về vốn và tài chính cho DNNVV.

Trong vấn đề vốn vay, theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trước tiên các DNNVV phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị, hiệu quả hoạt động và minh bạch trong sản xuất, kinh doanh, trong báo cáo tài chính... Đây là những yếu tố giúp DN tăng sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập, là niềm tin để các ngân hàng thương mại (NHTM) mở rộng tăng trưởng tín dụng hiệu quả, mở rộng các hình thức tín dụng tín chấp.

Mặt khác, các DNNVV cần tích cực củng cố quan hệ tín dụng ngân hàng - khách hàng trên cơ sở DN mở rộng việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng như dịch vụ tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, các giao dịch thanh toán thuế, điện, nước, điện thoại, chi trả lương… 

Rót vốn theo chuỗi liên kết

Ông Tô Duy Lâm chia sẻ thêm, các NHTM có thể cho DN vay theo hình thức chuỗi DN (cung ứng nguyên liệu - sản xuất sản phẩm - tiêu thụ hàng hoá - quảng bá sản phẩm). Cách làm này sẽ giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng.

Riêng việc vay vốn cho DNNVV, có thể xem Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở TP.HCM là một điển hình để các địa phương khác học hỏi. Năm 2015, đã có 19 NHTM trên địa bàn Thành phố cho các DN vay hơn 127.188 tỷ đồng.

Nếu tính trong 4 năm triển khai Chương trình này ở TP.HCM thì có đến 9.235 DN được vay vốn với số tiền 240.697 tỷ đồng. Tất cả các DN tham gia trên mọi lĩnh vực kinh doanh và đều được hưởng lãi suất ưu đãi.

Trong đầu tháng 1/2016, đã có 17 NHTM ở TP.HCM ký kết gói hỗ trợ 211.500 tỷ đồng và 15 triệu USD để hỗ trợ DN thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2016. Các đơn vị này cam kết lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 7%/năm và cho vay trung, dài hạn từ 8 - 10%/năm, sẽ giải ngân kịp thời và đúng tiến độ.

Việc kết nối nếu được thực hiện hiệu quả tại các địa phương thì chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển, nâng cao sức cạnh tranh. Chính Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cũng nhìn nhận, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu, việc kết nối là hết sức cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cho ý kiến về vấn đề rót vốn cho DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các địa phương và các tổ chức tín dụng cần tìm ra các phương hướng triển khai phù hợp để giúp càng nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn vay, lãi suất phù hợp. Ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị cần xem xét, thúc đẩy việc vay vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho hoạt động tái cơ cấu kinh tế như đối với DN phát triển công nghiệp hỗ trợ, DN phát triển chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, giá trị gia tăng...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư