Phát triển công nghiệp nền tảng: Đề xuất 6 ngành ưu tiên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công nghiệp nền tảng (CNNT) là hệ sinh thái công nghiệp mang tính nền móng, cung cấp đầu vào quan trọng cho hệ thống sản xuất và dịch vụ công nghiệp. Trước đòi hỏi của đất nước trong kỷ nguyên mới, Ban Chính sách chiến lược Trung ương đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đột phá phát triển CNNT, trong đó đề xuất 6 ngành ưu tiên và hỗ trợ những doanh nghiệp (DN) “làm thật”.
Công nghiệp công nghệ số, năng lượng, cơ khí chế tạo công nghệ cao, vật liệu mới, hóa chất, luyện kim là những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới. Ảnh: Lê Tiên
Công nghiệp công nghệ số, năng lượng, cơ khí chế tạo công nghệ cao, vật liệu mới, hóa chất, luyện kim là những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới. Ảnh: Lê Tiên

Công nghiệp nền tảng vẫn còn hạn chế

Trong những năm qua, các ngành CNNT như luyện kim, hóa chất, năng lượng, cơ khí chế tạo, vật liệu… phát triển nhanh, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đưa đất nước từng bước trở thành một trong trong những trung tâm sản xuất của khu vực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh mới, còn không ít vấn đề cần giải quyết để phát triển thành công một số ngành CNNT có tiềm năng, lợi thế, tạo sự bứt phá, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước.

Theo TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương, CNNT vẫn chủ yếu dựa vào công nghệ nhập khẩu; tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghệ hỗ trợ kém phát triển, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao; năng lực đổi mới công nghệ còn hạn chế, DN trong nước gặp khó khăn trong phát triển công nghệ lõi, thiếu DN dẫn dắt…

Đại diện Công ty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng nhận xét, ngành cơ khí nước ta hiện còn yếu kém, nhiều sản phẩm đầu vào cho sản xuất công nghiệp phải nhập khẩu. Cả khu vực nhà nước và tư nhân đều không có DN cơ khí tầm cỡ, có thể dẫn dắt các DN trong ngành phát triển, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước. “Hòa Phát là DN sản xuất thép lớn nhưng chủ yếu là thép xây dựng và tôn, sản lượng thép phục vụ công nghiệp cơ khí chế tạo còn rất khiêm tốn”, đại diện DN này chỉ ra.

Theo Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước hiện có hơn 3.000 DN cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm khoảng 10 - 11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp và sử dụng gần 10% lực lượng lao động công nghiệp. Tuy nhiên, DN cơ khí chế tạo nội địa hầu hết quy mô nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực gia công và lắp ráp, công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh yếu, chưa làm chủ được các công đoạn có giá trị gia tăng cao.

Với ngành công nghiệp số, đến nay, Việt Nam có một số DN lớn như FPT, Viettel, VNPT, nhưng phần lớn DN nội địa vẫn tập trung vào gia công phần mềm thay vì phát triển công nghệ lõi. Tuy có tiềm năng lớn, nhưng DN Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ do thiếu vốn và nhân lực chất lượng cao, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn hạn chế…

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bứt phá

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường, để kinh tế Việt Nam phát triển vững vàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển CNNT, tăng năng lực nội sinh, góp phần tạo động lực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở đánh giá thực trạng các ngành CNNT, dự báo xu hướng phát triển của thế giới và định hình các tiềm năng, lợi thế so sánh, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương dự kiến lựa chọn ưu tiên 6 ngành chính, gồm: công nghiệp công nghệ số (phát triển chip, bán dẫn…); công nghiệp năng lượng (ưu tiên năng lượng tái tạo, hạt nhân, năng lượng mới, nghiên cứu và thí điểm về hydro xanh…); cơ khí chế tạo theo hướng cơ khí chế tạo tự chủ, công nghệ cao, tự động hóa; công nghiệp vật liệu mới; hóa chất; luyện kim.

Ủng hộ quan điểm đẩy mạnh phát triển CNNT, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ đột phá cho những DN “làm thật”. Ví dụ, những DN thuộc ngành CNNT có nhu cầu về vốn thì cần được Nhà nước hỗ trợ lãi suất với cơ chế thực sự ưu đãi. Rà soát, hoàn thiện quy định về thu hút FDI, trong đó có các quy định bắt buộc về chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, sự tham gia, liên kết của DN trong nước trong chuỗi cung ứng.

Đồng thời, cần xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phát triển công nghiệp công nghệ số, các mô hình và sản phẩm công nghiệp số; xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho công nghệ mới…

Bên cạnh đó, lựa chọn một số DN nội địa có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột trong một số lĩnh vực CNNT của đất nước với các cơ chế chính sách vượt trội như cấp hạn mức tín dụng đặc biệt, thuê chuyên gia cố vấn dài hạn, đặt hàng…

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu