Khống chế trần chi phí lãi vay: Quy định thế nào để không gây khó cho doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết. Một trong những nội dung đáng chú ý được đề xuất sửa đổi là bỏ xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp ngân hàng cho DN vay với điều kiện ngân hàng không tham gia kiểm soát, điều hành DN đó. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất sửa đổi như vậy vẫn chưa phù hợp.
Bộ Tài chính đề xuất bỏ xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay với điều kiện ngân hàng không tham gia kiểm soát, điều hành doanh nghiệp đó. Ảnh: Nhã Chi
Bộ Tài chính đề xuất bỏ xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay với điều kiện ngân hàng không tham gia kiểm soát, điều hành doanh nghiệp đó. Ảnh: Nhã Chi

Theo điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132, một trong những trường hợp xác định quan hệ liên kết là một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay.

Khi đó, áp dụng điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132, tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần cộng chi phí lãi vay cộng chi phí khấu hao (EBITDA).

Bộ Tài chính cho biết, với quy định như trên, các DN kiến nghị, hoạt động vay vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh là hoạt động phổ biến của các DN tại Việt Nam và cho vay cũng là hoạt động thông thường của ngân hàng. DN và ngân hàng hoàn toàn độc lập với nhau. Do đó, việc khống chế và loại chi phí lãi vay đối với DN trong trường hợp này là không phù hợp.

Thực tiễn cho thấy, trường hợp vay vốn ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng mà các tổ chức này không điều hành, kiểm soát, góp vốn, quyết định đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đi vay thì không phải là các bên có quan hệ liên kết.

Do đó, Bộ Tài chính trình báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để loại trừ việc xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng (không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào DN đi vay hoặc DN và tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng không chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác) bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào.

TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Việc giữ quy định khống chế chi phí lãi vay là phù hợp bởi đây được coi là cách thức hiệu quả để chống tình trạng chuyển giá trốn thuế. Đây cũng là cách thức đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Trong khi đó, việc xác định quan hệ liên kết giữa DN với ngân hàng theo quy định tại Nghị định số 132 là chưa phù hợp, bởi các DN Việt Nam thường vay vốn tại một ngân hàng với hồ sơ tín dụng đã thẩm định rõ ràng, giảm chi phí vay vốn. Do đó, việc xem đây là giao dịch liên kết sẽ gây khó khăn cho DN”.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nếu theo đúng nguyên lý và mục tiêu của quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết thì chỉ được phép loại trừ chi phí lãi vay khỏi chi phí của DN khi có đủ 3 yếu tố: có giao dịch liên kết; có yếu tố chuyển giá; chi phí lãi vay đạt đến mức đáng kể (vượt 30% EBITDA).

“Đại đa số DN Việt Nam bị loại chi phí lãi vay khi tính thuế dù không có yếu tố chuyển giá, thậm chí không có yếu tố liên kết. Điển hình của việc này là vay vốn ngân hàng và hoàn toàn không thuộc trường hợp có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 3.21 Luật Quản lý thuế và Điều 5.1 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, thậm chí cũng không phải là người có liên quan theo quy định của các luật, gồm: Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005”, ông Đức nhấn mạnh.

Do đó, ông Đức đề xuất, cơ quan thuế chỉ nên xử lý các trường hợp có nghi ngờ gian lận, lách thuế khi các DN có những dự án đầu tư đang được hưởng ưu đãi về thuế hay liên tục báo lỗ nhiều năm liền để không đóng thuế. Với các DN không có công ty con, không được hưởng ưu đãi, vẫn đóng thuế đều đặn hằng năm, các khoản vay có chứng từ hợp pháp, hợp lệ thì phải cho DN được khấu trừ vào chi phí hoạt động.

Từ góc độ khác, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc loại trừ xác định quan hệ liên kết giữa ngân hàng và DN như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ không giải quyết được hết các trường hợp. Trong trường hợp hai bên ngân hàng và doanh nghiệp đi vay có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn nhưng giao dịch cho vay với lãi suất phù hợp mặt bằng chung của thị trường vẫn sẽ bị khống chế bởi ngưỡng 30%. Điều này chưa thực sự phù hợp với mục tiêu cơ bản của Nghị định số 132 là chống hành vi chuyển giá. Trong trường hợp trên, hai bên không hề có hành vi “bóp méo” lãi suất (giá của giao dịch cho vay) nhằm mục đích chuyển giá mà giao dịch này vẫn tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập thì việc không cho tính phần chi phí lãi vay vượt quá 30% trong một giao dịch thoả mãn nguyên tắc giao dịch độc lập là bất hợp lý.

Do đó, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi Điều 16.3 Nghị định 132 theo hướng cho phép các DN chứng minh giao dịch cho vay theo nguyên tắc giao dịch độc lập bằng cách kê khai và lập hồ sơ so sánh với các giao dịch cho vay khác và/hoặc với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trong trường hợp giao dịch này đúng nguyên tắc giao dịch độc lập thì DN được trừ chi phí tính thuế, kể cả trường hợp chi phí đó vượt 30% EBITDA.

Chuyên đề