Khơi thông pháp lý để dự án BT “hồi sinh”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nội dung được bàn thảo tại cuộc họp về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức chiều 19/8/2024 là về giải pháp gỡ khó cho loại hình dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy định về BT được đổi mới toàn diện, khắc phục tối đa bất cập của giai đoạn trước, thì loại hợp đồng này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Quốc hội đã cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai loại hợp đồng BT. Ảnh: Lê Tiên
Quốc hội đã cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai loại hợp đồng BT. Ảnh: Lê Tiên

Sau giai đoạn phải dừng lại (từ ngày 01/01/2021, khi Luật PPP có hiệu lực), mới đây Quốc hội đã cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai loại hợp đồng BT, gồm TP.HCM, Hà Nội và Nghệ An. Tuy nhiên, cách thức áp dụng chưa thống nhất, tùy thuộc vào điều kiện đặc thù của từng địa phương. Cụ thể, TP.HCM được áp dụng cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền (sử dụng ngân sách Thành phố). Nghệ An được áp dụng cơ chế thanh toán bằng tiền (sử dụng ngân sách nhà nước hoặc tiền thu từ đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất). TP. Hà Nội được áp dụng cơ chế thanh toán bằng tiền (ngân sách Thành phố) hoặc bằng quỹ đất.

Một số ý kiến cho rằng, loại hình dự án BT đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tại các địa phương, huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân, giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công. Các dự án đối ứng được đầu tư cũng góp phần đáng kể cải thiện hạ tầng về nhà ở, dịch vụ, hình thành các đô thị mới, khu dân cư mới… Vì thế, rất cần nghiên cứu, làm mới khung pháp lý để loại dự án BT tiếp tục được triển khai.

Ông Hoàng Mạnh Phương, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong bối cảnh việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn và nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tăng mạnh, căn cứ quá trình thực hiện cơ chế này trong từng thời kỳ và rà soát ý kiến của nhiều bộ, ngành cho thấy, cần xem xét tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT trong thời gian tới, đồng thời cần có quy định sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BT đã triển khai thực hiện trước khi Luật PPP được ban hành.

Theo ông Phương, dự án BT nên áp dụng đối với hợp đồng thanh toán cho nhà đầu tư bằng quyền thực hiện dự án tại vùng phụ cận với các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng), cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy hoạch để xác định công trình giao thông có tiềm năng phát triển đô thị và các quỹ đất phụ cận công trình này, xác định giá trị của quỹ đất phụ cận tại thời điểm giao đất, cho thuê đất (thời điểm trước khi hình thành công trình giao thông) và cơ chế chia sẻ, phân phối lại phần giá trị tăng thêm từ đất tại thời điểm nhà đầu tư khai thác, kinh doanh các dự án tại vùng phụ cận (thời điểm sau khi đã có công trình giao thông), làm cơ sở lập dự án theo mô hình này. Sau khi chuyển giao công trình cho Nhà nước, căn cứ yêu cầu của từng loại công trình và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan có thẩm quyền được áp dụng kết hợp loại hợp đồng BT với các loại hợp đồng khác để giao nhà đầu tư vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình BT.

Ưu điểm của dự án BT là tiến độ triển khai dự án rất nhanh, huy động ngay được nguồn lực từ bên ngoài. Ảnh: Minh Hoàng

Ưu điểm của dự án BT là tiến độ triển khai dự án rất nhanh, huy động ngay được nguồn lực từ bên ngoài. Ảnh: Minh Hoàng

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) Trần Hào Hùng thì chia sẻ, khi sửa quy định để xác định sự quay lại của mô hình dự án BT, cần nghiên cứu các quy định để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BT đã triển khai trước khi ban hành Luật PPP. Những vấn đề sửa đổi cần tập trung vào các nội dung đã “chín” và đã “rõ”, đã được các cơ quan, bộ, ngành chỉ ra và cấp thiết phải tháo gỡ khó khăn. Việc sửa đổi cần xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BT chuyển tiếp. Chẳng hạn vấn đề thanh toán, quyết toán phần lãi vay sau giai đoạn xây dựng đối với các dự án BT thanh toán bằng tiền. Hiện nay, một số hợp đồng BT thanh toán bằng tiền do Bộ Giao thông vận tải và một số địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết đang gặp vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán. Đối với các chi phí sau thời gian xây dựng, mặc dù được thể hiện trong phương án tài chính, đã được cấp có thẩm quyền cho phép và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thoả thuận với nhà đầu tư trong hợp đồng dự án, nhưng không thuộc nội dung tổng mức đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng nên không có cơ sở để thanh toán và quyết toán, thanh lý hợp đồng do chưa hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan.

Theo ông Lê Quốc Đạt, Phó Chánh thanh tra Bộ KH&ĐT, hình thức hợp đồng BT có những mặt tích cực nhất định, phù hợp với những bối cảnh cụ thể, điều kiện cụ thể của từng địa phương, thanh toán bằng tiền hay thanh toán bằng đất về bản chất là giống nhau bởi đều tính theo phương án “vật ngang giá”. Bản thân loại hợp đồng BT không có lỗi, mà lỗi ở trong quản lý, vận hành loại hình hợp đồng này…

Cũng nêu quan điểm về việc sửa Luật, lãnh đạo Vụ Phát triển hạ tầng và Đô thị (Bộ KH&ĐT) cho rằng, trước khi ban hành các quy định cho phép sự trở lại của hợp đồng BT, cần đánh giá kỹ mô hình BT có điểm gì được và điểm gì chưa được. Những cái được của dự án BT là tiến độ triển khai dự án rất nhanh, huy động ngay được nguồn lực từ bên ngoài nhưng việc xác định giá đất của dự án BT lại tiền ẩn rất nhiều phức tạp. “Vấn đề cần thiết hiện nay là cần có giải pháp để xử lý các dự án BT trong quá khứ, tháo gỡ cho những dự án BT đang có. Đây là những vấn đề đã “chín và rõ” được các cấp bộ ngành từ Trung ương và địa phương chỉ ra”, ông nói.

Để gỡ khó cho các dự án BT, tại dự thảo Tờ trình Chính phủ Đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Bộ KH&ĐT đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành theo hướng: đối với hợp đồng BT thanh toán bằng tiền được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trường hợp hợp đồng dự án đã xác định chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng và lợi nhuận hợp lý trong phương án tài chính thì được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.

Về việc thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp hợp đồng BT đã được ký kết nhưng có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng, Bộ KH&ĐT dự kiến đề xuất Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Điều 101 Luật PPP để làm rõ trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư hay của cơ quan có thẩm quyền; nguyên tắc xử lý trong trường hợp hợp đồng được ký kết không đúng quy định...

Ngoài đề xuất sửa quy định về loại hình dự án BT, một số quy định khác tại Luật PPP cũng được Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi, đó là quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP; về nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; về nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chia sẻ giảm doanh thu; về việc thực hiện đối với dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền…

Liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, các nội dung được đề xuất sửa đổi nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai, đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho các chủ thể trong nền kinh tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư