![]() |
Đơn vị tính: Triệu đồng |
Báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn (NSNN) tháng 2, ước 3 tháng kế hoạch năm 2025 của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân của 5 địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dưới mức trung bình cả nước, gồm: TP.HCM, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh. Có 2 địa phương gồm Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước.
Theo báo cáo, tổng kế hoạch vốn năm 2025 của 7 địa phương là 193.556 tỷ đồng, trong đó TP.HCM là 85.517 tỷ đồng, kế đến là Bình Dương (36.000 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (23.446 tỷ đồng), Bình Phước (17.131 tỷ đồng), Đồng Nai (15.770 tỷ đồng), Long An (9.648 tỷ đồng) và Tây Ninh (6.042 tỷ đồng).
Tính đến hết tháng 3/2025, TP.HCM giải ngân đạt 2.888 tỷ đồng, tương đương 3,38% kế hoạch vốn. Trong 3 quý còn lại của năm 2025, TP.HCM cần giải ngân hơn 82.628 tỷ đồng nếu muốn hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn công theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Được biết, phần lớn kế hoạch đầu tư công năm 2025 được TP.HCM bố trí cho các công trình, dự án hạ tầng lớn, trọng điểm nhằm tạo ra đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, những vướng mắc cố hữu về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu… khiến tiến độ triển khai, thi công các dự án bị kéo dài, ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân.
Năm 2025, Bình Dương bố trí 36.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 244 công trình, dự án, trọng tâm là các dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng. Do đó, tính riêng nhóm dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư đã có tổng vốn đầu tư lên tới 22.650 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 tổng kế hoạch vốn đầu tư công của toàn tỉnh. Tuy nhiên, cũng như TP.HCM, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông tại Bình Dương gặp “nút thắt” lớn là giải phóng mặt bằng khiến tiến độ thi công, giải ngân bị ảnh hưởng. Tính hết ngày 31/3, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương là 1.065 tỷ đồng, đạt 5,43%.
Về 3 địa phương khác, trong 3 tháng đầu năm, Bình Phước giải ngân 728,265 tỷ đồng, tương đương 4,89% kế hoạch; Đồng Nai giải ngân 959,736 tỷ đồng, tương đương 6,09%; Tây Ninh giải ngân 417,376 tỷ đồng, đạt 6,94% kế hoạch.
Tình hình giải ngân ở 2 địa phương còn lại trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khả quan hơn. Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu giải ngân được 1.365 tỷ đồng, đạt 9,87% và Long An giải ngân được 1.014 tỷ đồng, đạt 10,52% kế hoạch.
Nhằm gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công, TP.HCM và các tỉnh đang thực thi nhiều giải pháp quyết liệt. Vừa qua, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các chủ đầu tư dự án chấp hành nghiêm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương đẩy nhanh thủ tục, bảo đảm chất lượng, tiến độ và bám sát quá trình xử lý của cơ quan chuyên môn để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan thẩm định đối với các dự án chưa hoàn thiện thủ tục quyết định đầu tư; các sở ngành, quận huyện phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư khẩn trương rà soát, nghiên cứu giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện, hoàn tất thẩm định và quyết định đầu tư dự án. TP.HCM cũng vừa thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để chỉ đạo, triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng, các nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND TP.HCM…
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm, Tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung ưu tiên thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số. Một nội dung quan trọng của kế hoạch là tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công nhiều năm qua. Cụ thể là công tác hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với địa phương trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng; khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án còn chậm… Trong hội nghị về đầu tư công giữa tháng 2/2025, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay một số công trình, dự án trọng điểm đã cơ bản được tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng. Đồng Nai đang yêu cầu các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tăng cường thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công.
Theo quan sát của phóng viên, chính quyền các địa phương như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An cũng đang quyết liệt điều hành để tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu, đốc thúc nhà thầu tăng tốc thi công thường xuyên được chỉ đạo gỡ vướng. Hoạt động chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án hạ tầng lớn cũng rất khẩn trương.
Theo chuyên gia, các địa phương cần lưu ý đến tác động từ hoạt động sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính đối với các dự án đầu tư công. Theo đó, việc sáp nhập có thể dẫn đến sự thay đổi, điều chỉnh quy hoạch và phân bổ nguồn lực; tái cấu trúc bộ máy quản lý dự án; thay đổi ưu tiên đầu tư nhằm phù hợp với chiến lược phát triển mới… Để giảm thiểu tác động bất lợi và bảo đảm hiệu quả đầu tư công, cần tính toán kế hoạch chuyển đổi rõ ràng và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để vừa đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, vừa bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu