Khi nào thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi và tăng trưởng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất động sản thường trải qua qua bốn giai đoạn - phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng, suy thoái - trước khi hình thành một chu kỳ mới. Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thị trường đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024-2026.
Tại thời khắc cam go từ đây đến giai đoạn 2024-2026, các doanh nghiệp bất động sản trong nước sẽ “sống sót” bằng cách nào? Ảnh: Bảo Tín
Tại thời khắc cam go từ đây đến giai đoạn 2024-2026, các doanh nghiệp bất động sản trong nước sẽ “sống sót” bằng cách nào? Ảnh: Bảo Tín

Kể từ giữa năm 2023, thị trường bất động sản nhà ở cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đồng loạt giảm thanh khoản, với những tác động đến từ việc siết tín dụng, trái phiếu, lãi suất. Ngoài những biến động chung nói trên, TP.HCM còn đối mặt với nhiều tín hiệu tiêu cực của các “đại án” liên quan đến bất động sản khiến cho cục diện càng xấu hơn.

Báo cáo thị trường căn hộ của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, quý 2/2023, lượng nguồn cung mở bán mới căn hộ thấp nhất kể từ năm 2019, đạt khoảng 970 căn, giảm 41% so với quý trước và giảm 90% so với cùng kỳ. Riêng thị trường nhà liền thổ có lạc quan hơn khi cùng thời gian trên nguồn cung mới được tung ra 282 căn, tăng 45% so với cùng kỳ.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, điểm sáng cho phân khúc căn hộ và nhà liền thổ gần đây chính là các dự án đã hoàn thiện các quy trình pháp lý và bắt đầu xây dựng trở lại, đặc biệt là các dự án bị vướng mắc ở quý trước. Trong tương lai, do quỹ đất trung tâm khan hiếm và đắt đỏ, nên thị trường căn hộ và nhà liền thổ có xu hướng phân bổ ra các khu vực ngoại ô.

Hiện dù đang trầm lắng nhưng nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để dòng vốn đầu tư bất động sản được cải thiện trong giai đoạn 2024-2026. Một câu hỏi đặt ra là từ đây đến giai đoạn 2024-2026, các doanh nghiệp bất động sản trong nước, sẽ “sống sót” bằng cách nào?

Doanh nghiệp ngoại tăng mạnh sau mỗi đợt thị trường bất động sản Việt Nam đóng băng. Ảnh: Bảo Tín

Doanh nghiệp ngoại tăng mạnh sau mỗi đợt thị trường bất động sản Việt Nam đóng băng. Ảnh: Bảo Tín

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), doanh nghiệp bất động sản trong nước thời gian qua ví như đang ở trong một đám cháy, họ đã dùng mọi cách để dập lửa và thoát thân nhưng đa số đều vô vọng. Những nỗ lực còn lại tất thảy đều trông chờ vào Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc tiếp tục gỡ vướng cơ chế, chính sách và tín dụng để chủ đầu tư được vay vốn triển khai dự án và khách hàng được vay vốn mua nhà.

Trái với sự rối ren của các doanh nghiệp bất động sản nội, Cushman & Wakefield Việt Nam nhận xét, giai đoạn 2022 và 6 tháng 2023 thị trường bất động sản Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư ngoại. Nhiều thương vụ M&A dự án bất động sản đã xuất hiện trong khoảng thời gian này, bao gồm phát triển dự án mới, giao dịch các dự án đang trong quá trình phát triển và mua các dự án đã hoạt động ổn định.

Ở một diễn biến khác, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút khoảng 13,43 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 95,7% so cùng kỳ và tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm, trong đó ngành kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD. Nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập vào thị trường nhà ở.

“Thị trường bất động sản Việt Nam những tháng qua đang trải qua giai đoạn trầm lắng, nhưng số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam gia tăng mạnh mẽ hơn về cả số lượng và quy mô sau từng đợt đóng băng. Thông thường, khó khăn của người này lại là cơ hội cho người khác”, bà Trang Bùi cho biết.

Chuyên đề