Thị trường bất động sản ở TP.HCM và vùng phụ cận kỳ vọng sẽ tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2025 được kỳ vọng là năm phục hồi của thị trường bất động sản ở TP.HCM và vùng phụ cận, với dự báo nguồn cung tăng ở hầu hết các phân khúc và khu vực nhờ động lực từ chính sách pháp lý và hạ tầng giao thông.
Căn hộ hạng A tại TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường, tập trung tại khu Đông. Ảnh: Gia An
Căn hộ hạng A tại TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường, tập trung tại khu Đông. Ảnh: Gia An

Theo dự báo từ DKRA Consulting, trong năm 2025, phân khúc đất nền có nguồn cung dự kiến tăng, dao động ở mức 3.000 – 3.500 nền, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Riêng các khu vực khác như TP.HCM, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn duy trì tình trạng khan hiếm.

Giá sơ cấp có thể tăng nhẹ và vẫn neo ở mức cao do áp lực chi phí đầu vào, trong khi giao dịch thứ cấp được kỳ vọng duy trì đà hồi phục, tập trung ở nhóm sản phẩm minh bạch pháp lý, chủ đầu tư uy tín và đa dạng tiện ích nội, ngoại khu.

Đặc biệt, các địa phương được hưởng lợi lớn từ các dự án hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4 và sân bay Long Thành gồm Bình Dương, Đồng Nai và Long An sức hút sẽ mạnh hơn.

Đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung dự kiến dao động từ 13.000 – 15.000 căn, tập trung tại hai thị trường là TP.HCM và Bình Dương. Căn hộ hạng A tại TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường, tập trung tại khu Đông; căn hộ hạng B và hạng C chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung mới tại Bình Dương và các tỉnh giáp ranh còn lại.

Tương tự, phân khúc nhà phố/biệt thự, nguồn cung mới dự kiến tăng tích cực so với năm trước, dao động từ 3.000 – 3.500 căn, tập trung tại Đồng Nai, Long An và Bình Dương. Đây là những khu vực có quỹ đất lớn và kết nối thuận tiện với TP.HCM.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách DKRA Consulting cho biết, mặt bằng giá sơ cấp dự kiến tăng nhẹ so với năm 2024 do áp lực của các loại chi phí đầu vào. Các dự án được hoàn thiện pháp lý, đảm bảo tiến độ thi công và có liên kết vùng thuận tiện sẽ là điểm sáng trong thanh khoản.

Riêng loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ, dự kiến dao động trong khoảng 2.500 – 3.000 căn condotel; 1.000 – 1.500 căn biệt thự nghỉ dưỡng và 1.500 – 2.000 căn nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng được đưa ra thị trường.

Dự báo sức cầu thị trường có thể tăng nhẹ so với năm 2024 nhưng khó có đột biến trong những tháng đầu năm 2025. Cũng như các phân khúc khác, mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục tăng và neo ở mức cao do chi phí đầu vào tăng mạnh. Các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc,… sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong năm 2025.

Vẫn theo ông Võ Hồng Thắng, cơ sở để dự báo năm 2025 khá lạc quan là nhờ trong năm 2024, thị trường bất động sản nhà ở khu vực TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về nguồn cung lẫn sức cầu so với năm 2023.

Trong đó, phân khúc đất nền nguồn cung sơ cấp tăng nhẹ 1% so với năm 2023, tập trung ở những dự án đã mở bán trước đó. Tuy nhiên, sức cầu chung của thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp đạt khoảng 13% trên tổng cung, giảm 15% so với năm 2023. Phần lớn giao dịch phân bổ ở giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024 và nhóm sản phẩm có mức giá trung bình dưới 50 triệu đồng/m2 tại TP.HCM hay dưới 25 triệu đồng/m2 ở vùng phụ cận.

Với phân khúc căn hộ, nguồn cung sơ cấp đạt 23,459 căn, tăng 6% so với năm 2023. Phần lớn tập trung tại TP.HCM và Bình Dương, chiếm tỷ trọng lần lượt 53.9% và 39.9% tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường. Căn hộ hạng A tại TP.HCM chiếm ưu thế, một số dự án mở bán mới tại khu Đông ghi nhận mức giá từ 80 - 130 triệu đồng/m2. Sức cầu toàn thị trường ghi nhận tín hiệu hồi phục, lượng tiêu thụ sơ cấp tăng 24% so với năm trước, các giao dịch tập trung ở các dự án mở bán vào dịp cuối năm.

Đặc biệt, phân khúc nhà phố/biệt thự, nguồn cung sơ cấp và nguồn cung mới ghi nhận mức tăng lần lượt là 24% và 2.3 lần so với năm 2023. Sức cầu chung của thị trường có nhiều cải thiện đáng kể, tuy nhiên, vẫn duy trì ở mức thấp so với giai đoạn 2020 trở về trước. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục neo cao do chịu áp lực của các loại chi phí đầu vào.

Ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp tăng 12% so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước năm 2022. Sức cầu thị trường tiếp tục sụt giảm, chỉ tương đương 57% so với cùng kỳ, phần lớn giao dịch đến từ các dự án mới mở bán trong năm. Mặt bằng giá bán sơ cấp ghi nhận tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, tuy nhiên kèm theo đó là các chính sách ân hạn, hỗ trợ lãi suất,… nhằm gia tăng thanh khoản.

Riêng phân khúc Condotel trong năm 2024 ghi nhận nguồn cung sơ cấp tăng 31% so với cùng kỳ, đến từ 49 dự án mở bán với tổng cộng 7,795 căn. Song, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch phần lớn tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện, được phát triển bởi chủ đầu tư có năng lực tài chính mạnh và có tổng giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn.

Chỉ có loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn khá trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi. Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Sức cầu thị trường thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp chỉ tương đương 56% so với cùng kỳ. Mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với cùng kỳ và vẫn duy trì ở mức cao.

Còn theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, năm 2025 sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một chu kỳ mới của thị trường nhà ở, với nguồn cung phong phú và chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn thúc đẩy bởi cạnh tranh gia tăng từ các chủ đầu tư.

"Thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn, khi có thời gian thích nghi với các luật sửa đổi cùng với các thông tư và hướng dẫn thi hành mới. Điều này sẽ tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển dự án, đồng thời mở ra cơ hội cho nhiều người dân có thể tiếp cận và mua nhà dễ dàng hơn", bà Dung nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư