Hợp sức gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước các bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính cho biết sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành để thống nhất giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ.
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm đạt hơn 246,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 236,8 nghìn tỷ đồng phát hành riêng lẻ và gần 9,53 nghìn tỷ đồng qua kênh chào bán ra công chúng. Ảnh: Nhã Chi
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm đạt hơn 246,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 236,8 nghìn tỷ đồng phát hành riêng lẻ và gần 9,53 nghìn tỷ đồng qua kênh chào bán ra công chúng. Ảnh: Nhã Chi

Ngày 23/11, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, lãnh đạo các công ty chứng khoán, lãnh đạo các doanh nghiệp phát hành TPDN.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ: “Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm thuế, phí, gia hạn nộp thuế. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thị trường vốn có một số điểm bất cập, cần có giải pháp khơi thông. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành để thống nhất giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ, nhanh chóng giúp thị trường vốn vượt qua khó khăn và phát triển bền vững”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính tổ chức buổi làm việc với các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ, tập trung vào các doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, có trái phiếu đến hạn từ nay đến hết năm 2023 để lắng nghe, trao đổi các giải pháp, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường.

“Chúng tôi khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường nói rõ về các khó khăn thực tế về thanh khoản, về pháp lý. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng để có giải pháp trước mắt và lâu dài, củng cố niềm tin thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, giúp các doanh nghiệp huy động được vốn. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đầy đủ với nhà đầu tư theo cam kết. Bên cạnh đó, sẽ rà soát khung pháp lý, kể cả Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ để điều chỉnh phù hợp”, ông Chi nói.

Về diễn biến thị trường TPDN gần đây, số liệu thống kê cho thấy, giá trị phát hành TPDN 10 tháng đầu năm đạt hơn 246,3 nghìn tỷ đồng, giảm gần 64,13% so với cuối năm 2021, trong đó có 236,8 nghìn tỷ đồng phát hành riêng lẻ và gần 9,53 nghìn tỷ đồng qua kênh chào bán ra công chúng.

Doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu góp phần giảm áp lực rủi ro nợ đáo hạn. Giá trị mua lại TPDN trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 143,44 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2021, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn. Bất động sản và tổ chức tín dụng là 2 ngành có khối lượng mua lại trái phiếu lớn nhất.

Thị trường đang chứng kiến nhiều hoạt động tái cơ cấu nợ trái phiếu, trong đó có một số phương án khả thi như: gia hạn kỳ trả nợ có thanh toán, gia hạn kỳ trả nợ không cần thanh toán, hay “hàng đổi hàng”.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup, đây được đánh giá là các giải pháp bảo đảm lợi ích cho cả 2 bên, nhà phát hành không bị áp lực dòng tiền và nhà đầu tư vẫn có thể thu hồi khoản đầu tư trong tương lai mà không phải cắt lỗ.

Để chuẩn bị cho các tình huống khi có một số doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ, ông Thuân cho rằng, nhà quản lý nên có các hướng dẫn cụ thể về xử lý vấn đề tái cấu trúc nợ trái phiếu và xử lý trong các tình huống không mong muốn xảy ra.

Về Nghị định 65, theo ông Thuân, nghị định này đã đưa ra những yêu cầu cần thiết nhằm chuẩn hóa điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ và hướng đến nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức, nhất là siết lại tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia sở hữu trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng thực tế và triển khai Nghị định 65 gặp những vướng mắc nhất định trong hoạt động phát hành sơ cấp. Trước hết, Nghị định 65 cho phép phát hành với mục đích để tái cơ cấu nợ, nhưng việc giới hạn mục đích sử dụng vốn trái phiếu theo các chương trình, dự án cụ thể nêu trong phương án phát hành là một trở ngại cho doanh nghiệp chủ động trong công tác quản trị và điều chuyển vốn nội bộ. Bên cạnh đó, yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ định kỳ 6 tháng, hàng năm cũng là một vấn đề cần được làm rõ về tính khả thi với doanh nghiệp.

Chuyên đề