Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, cách nào khơi thông?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước sự sụt giảm khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong thời gian gần đây, một số chuyên gia cho rằng, những động thái của cơ quan chức năng thời gian qua giúp thanh lọc thị trường trái phiếu, song cần có tháo gỡ để khơi thông thị trường vốn.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp sụt giảm mạnh

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp sụt giảm mạnh

Báo cáo tháng 8/2022 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tiếp tục cho thấy sự sụt giảm rõ rệt trong khối lượng phát hành. Theo đó, trong tháng 8 có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại, chỉ có 2 đợt phát hành của 2 doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng.

Hoạt động phát hành TPDN ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng khá trầm lắng trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau vụ Tân Hoàng Minh vào tháng 4/2022. Những rủi ro đầu tư cùng với việc siết chặt cơ chế pháp lý (sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN) sau thời gian tăng trưởng nóng được cho là nguyên nhân của sự sụt giảm này. Báo cáo của FiinGroup nhận định, nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do sự cẩn trọng và chờ đợi các chính sách mới từ cả phía nhà đầu tư lẫn nhà phát hành.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - niềm tin và trách nhiệm”, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, tổng dư nợ TPDN hiện nay khoảng 1,4 triệu tỷ đồng và tổng vốn trung, dài hạn ngân hàng khoảng 5 triệu tỷ đồng. Thị trường TPDN đã tăng trưởng với tốc độ 30 - 35%/năm trong mấy năm vừa qua. Nếu giữ nguyên được tốc độ tăng trưởng thì chỉ 6 năm tới, quy mô thị trường TPDN có thể đạt 11,2 triệu tỷ đồng và gánh vác được vốn trung, dài hạn cho hệ thống ngân hàng. Ông Nghĩa cho biết, đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, khi có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu. Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng hiện không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường.

Là một nguồn huy động vốn giúp giảm áp lực cho kênh tín dụng và tăng lượng huy động vốn trung, dài hạn cho thị trường, trái phiếu là một cấu thành quan trọng của thị trường vốn và cần tháo gỡ để thị trường này được khơi thông.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, trước mắt, cần hoàn thiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng không chỉ phục vụ mục tiêu thắt chặt quản lý của cơ quan nhà nước, mà còn hướng tới thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, Nghị định 153 còn nhiều quy định thắt chặt, gây khó cho nhà phát hành như không được sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu để đầu tư cổ phần. Quy định như vậy không phù hợp với việc quản trị công ty mẹ, công ty con ở các tập đoàn. Ngoài ra, cần điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong trường hợp quyết định hành chính của cơ quan nhà nước hủy phát hành trái phiếu, trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp bị cơ quan tư pháp điều tra. Cũng nên đặt vấn đề sau quá trình sửa đổi Nghị định 153, cần xây dựng luật riêng về phát hành trái phiếu hay không.

Để phát triển thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến, TS. Trương Văn Phước - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nêu quan điểm, cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Bên cạnh đó, cũng cần phải có các định chế xếp hạng “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Chuyên đề