Ngân hàng Nhà nước chỉ giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên, không để dòng vốn đổ vào các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao. Ảnh: Nam Hoài |
Động thái thận trọng
Lãnh đạo NHNN khẳng định, việc giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ NHNN khi có nhu cầu.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, động thái này thể hiện rõ nét thông điệp của ngành ngân hàng đó là đồng hành cùng doanh nghiệp. Ông Lực cho rằng, việc giảm lãi suất về cơ bản là có cơ sở khi lạm phát 6 tháng đầu năm nay khá thấp. Đáng lưu ý, việc giảm lãi suất cho vay nhưng giữ nguyên trần lãi suất huy động là cách làm thận trọng và đúng đắn. Lý giải thêm về điều này, ông Lực cho rằng nếu giảm lãi suất huy động sẽ khiến dòng tiền “chảy” sang nhiều các kênh khác thay vì gửi ngân hàng. Nếu việc huy động vốn gặp khó khăn thì không thể giảm lãi suất hay duy trì lãi suất ở mức thấp.
Nói lý do vì sao lại chọn mức 0,5%, 0,25%, ông Lực chia sẻ: “Nếu giảm sâu hơn nữa thì doanh nghiệp hài lòng nhưng nhiều khả năng ngân hàng sẽ không dám cho vay những lĩnh vực ưu tiên vì lợi nhuận quá eo hẹp”. Theo ông Lực, hiện đầu vào - đầu ra lãi suất ngân hàng chênh lệch khoảng 2%, trong khi các nước khác con số này cao hơn nhiều. Nếu giảm tiếp, ông Lực lo ngại hệ thống ngân hàng khó có thể chịu được. Đây cũng là lý do vì sao NHNN quyết định phải giảm một cách thận trọng.
Ông Lực cũng cho biết thêm, nhiều ý kiến lo ngại việc giảm lãi sẽ khiến tín dụng tăng trưởng “nóng”. Tuy nhiên, theo ông Lực, với mức giảm như hiện nay thì tín dụng cũng sẽ không tăng quá nhanh và chỉ giảm ở một số lĩnh vực. Hiện những lĩnh vực ưu tiên này chỉ có mức tăng khoảng 12 - 14% do vậy vẫn còn dư địa để tăng tiếp. NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên, không để dòng vốn đổ vào các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao. Lúc này, quan trọng là các tổ chức tín dụng cần tuân thủ nghiêm túc yêu cầu này để dòng vốn vào đúng chỗ.
Nhìn nhận về động thái không giảm lãi suất huy động của NHNN, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết hoàn toàn đồng tình với quyết định này. “Vì nếu hạ lãi suất huy động thì dân sẽ tính toán lại việc gửi tiền vào ngân hàng. Một khi ngân hàng thiếu vốn thì cho vay sẽ đắt hơn chứ không thể rẻ được. Không phải cứ hạ đầu vào là hạ được đầu ra. Động thái của NHNN như vậy là rất khéo léo”, ông Thành nhận định.
Làm sao để tiếp tục hạ được lãi suất?
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để giảm được lãi suất thì cần làm được 3 việc. Thứ nhất, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Hiện nay Nghị quyết đã có rồi, việc cần làm nhanh chóng là ban hành văn bản hướng dẫn. Nghị quyết chỉ có hiệu lực trong 5 năm, nếu không nhanh chân sẽ không xử lý được. Thứ hai, theo ông Lực, cần xem xét điều chỉnh Thông tư số 06/2016/NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Thứ ba, đó là đẩy mạnh huy động USD bằng cách xem xét nới trần. Việt Nam đang phải vay nước ngoài, trong khi đó chúng ta huy động từ người dân thì lãi suất sẽ rẻ hơn rất nhiều.
TS. Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng, lãi suất cho vay không hạ được là do nợ xấu. Vì vậy muốn giảm được lãi suất đầu tiên phải xử lý được nợ xấu. Theo quan điểm của ông Thành, cần mạnh dạn chi 10 - 15% GDP để xử lý nợ xấu.
“Chỉ cần lãi suất giảm được 1 - 2% thì nền kinh tế sẽ phục hồi và GDP sẽ tăng 1 - 2%. Sau 5 năm sẽ lấy lại được 10% GDP. Tuy nhiên, chính sách này rất khó để thực hiện vì không phải ai cũng đồng ý việc lấy một cục tiền để giải quyết nợ xấu”, ông Thành nói và cho rằng, muốn kinh tế tăng trưởng trở lại thì giải pháp đó cần được tính đến.
Cũng liên quan đến việc giảm lãi suất, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (mã SSI) vừa phát đi nhận định cho rằng việc giảm các lãi suất điều hành sẽ không có tác động nào đáng kể do nhu cầu của thị trường vốn đã rất nhỏ. Với lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào hành động của từng ngân hàng thương mại dựa trên quan điểm kinh doanh của ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh với hệ thống mạng lưới rộng và chi phí vốn rẻ sẽ tiếp tục là nòng cốt thực thi các chính sách này.
Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, về tổng thể, việc giảm các lãi suất trên khó có thể coi là động tác nới lỏng tiền tệ. Thay vì đó, đây là nỗ lực của Chính phủ cũng như NHNN nhằm tạo điều kiện cho các lĩnh vực ưu tiên để phần nào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.