Ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội |
Với thị trường vốn, Bộ trưởng yêu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư quốc tế, thu hút vốn trung và dài hạn cho Ngân sách Nhà nước, cho DN và cho nền kinh tế vươn tầm.
Năm thu hút vốn ngoại trở lại thị trường vốn Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, năm 2025 là một năm với những dấu mốc quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, kỷ niệm 80 năm thành lập Nước, 50 năm thống nhất đất nước. Với ngành tài chính, năm 2025 là năm 80 năm thành lập ngành, 25 năm thị trường chứng khoán (TTCK) tổ chức vận hành. Cùng với đó, đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, nên cần tăng tốc, bứt phá, khai thông các nguồn lực cho phát triển. Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2025 là phải tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để TTCK Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong các nhiệm vụ của năm 2025, “thu hút các nhà đầu tư quốc tế” được Bộ trưởng nhắc không chỉ 1 lần khi phát biểu khai trương phiên giao dịch đầu năm 2025. Chỉ đạo của Bộ trưởng mở ra hy vọng thị trường vốn Việt Nam năm 2025 sẽ có sự cải thiện mạnh mẽ, trong bối cảnh đi qua năm 2024, nguồn lực tài chính trong nước phải tham gia lấp khoảng hụt gần 90.000 tỷ đồng vốn ngoại rút ròng khỏi TTCK, góp phần giúp VN-Index năm 2024 giữ được mức tăng trưởng 12,11%. Giá trị bán ròng của khối ngoại năm 2024 gấp gần 4 lần năm 2023, nhưng không chỉ riêng Việt Nam, dòng vốn đầu tư khắp châu Á và các thị trường mới nổi cũng bị rút ròng về các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ. Nguyên nhân chính khiến dòng vốn ngoại mạnh mẽ chảy ngược, theo nhiều chuyên gia, là cơ hội đầu tư trên nhiều thị trường khác hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, chỉ số S&P 500 năm 2024 tăng trưởng 27%, Bitcoin tăng 149%, vàng thế giới tăng 30%..., trong khi đồng USD tăng giá mạnh và xu hướng bảo hộ được dự báo sẽ tăng hiệu quả của các DN tại thị trường Mỹ. Bối cảnh quốc tế trên đặt ra bài toán với Việt Nam năm 2025 là cần có giải pháp mạnh, cải thiện tính hấp dẫn để có sức cạnh tranh trong thu hút vốn quốc tế, giữ chân vốn ngoại ở lại với DN Việt Nam.
Trên bình diện vĩ mô, chia sẻ với các thành viên thị trường sáng ngày 2/1/2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024 là một năm khó khăn chung cho nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, tỷ giá, lãi suất biến động khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu; an ninh năng lượng; an ninh mạng diễn biến phức tạp. Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã đưa ra những chủ trương, giải pháp chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong điều hành. Hết năm 2024, GDP của Việt Nam tăng khoảng 7%, đạt khoảng 470 tỷ USD. CPI dự kiến cả năm đạt 3,6% thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 4 - 4,5%. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2024 đạt khoảng trên 780 tỷ USD, xuất siêu ước đạt gần 24 tỷ USD. Số thu ngân sách nhà nước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt trên 19% (tăng 330 nghìn tỷ đồng) so dự toán. Theo Bộ trưởng, đây là kết quả rất đáng trân trọng trong bối cảnh nền kinh tế nhiều thách thức vừa qua.
Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn lên từ quá trình tích tụ tài chính và huy động các nguồn vốn trong nước, quốc tế thông qua thị trường chứng khoán. Ảnh: Tuấn Anh |
Năm nâng hạng thị trường, nâng tầm doanh nghiệp nội
Đặt quyết tâm năm 2025 hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương thúc đẩy các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để vốn ngoại đầu tư vào DN. Bà Chân Phương cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu, triển khai mô hình tài khoản tổng ủy thác cho các quỹ đầu tư nước ngoài, nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt cho các nhà đầu tư tài chính quốc tế.
Trong nỗ lực cạnh tranh thu hút vốn quốc tế, tháng 9 năm 2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh; từ ngày 1/1/2026, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu và công bố thông tin về các hoạt động khác đồng thời bằng tiếng Anh. Các DN khác thực hiện từ năm 2027. Với 720 DN niêm yết và 888 DN đăng ký giao dịch, từ quý I/2025 sẽ chứng kiến hàng trăm DN công bố thông tin bằng tiếng Anh, chính thức tạo dấu mốc bình đẳng về thông tin, đưa câu chuyện về hiệu quả hoạt động của DN Việt Nam đến các nhà đầu tư quốc tế.
Điểm mới, khác biệt của Thông tư 68 là cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu mà không cần đủ 100% tiền (non-freefunding). Có hiệu lực từ 2/11/2024, điểm mới trên nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của các thành viên thị trường, nhất là các tổ chức quốc tế và tổ chức xếp hạng thị trường khi tháo gỡ một nút thắt quan trọng trên hành trình đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng của FTSE Russell.
Đến cuối năm 2024, TTCK Việt Nam có 45 DN có vốn hóa từ 1 tỷ USD, trong đó có 2 DN vốn hóa trên 10 tỷ USD là Vietcombank và BIDV. Nhiều DN tỷ USD hôm nay như FPT, SSI, PNJ, Vietjet, Hòa Phát… có gốc là các DN tư nhân quy mô nhỏ, lớn lên từ quá trình tích tụ tài chính và huy động các nguồn vốn trong nước, quốc tế thông qua TTCK. Sự lớn mạnh của các DN tư nhân đầu ngành là một minh chứng rõ nét cho vai trò của thị trường vốn, nơi cần được tiếp tục vun đắp, xây dựng để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước chọn đến và “cùng lớn” với DN Việt Nam.
Như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, năm 2025 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng, trong đó có dấu mốc 80 năm ngành tài chính, 25 năm TTCK. Nhiều ý kiến mong đợi, đây sẽ là năm TTCK lấy lại được sức hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế, được nâng hạng, nâng tầm các DN đại chúng quy mô lớn, khơi thông nguồn lực cho phát triển DN và góp sức phát triển nền kinh tế nước nhà.
Tin tưởng TTCK phát triển đột phá về quy mô và chất lượng
Phát biểu tại Lễ khai trương phiên giao dịch đầu năm 2025 ngày 2/1/2025 tổ chức tại Sở GDCK Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ niềm tin, với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và những giải pháp với ngành chứng khoán, TTCK Việt Nam sẽ có một năm 2025 phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho DN, cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, chịu áp lực lớn từ tình hình kinh tế vĩ mô và quốc tế nhưng TTCK vẫn duy trì tốt và ổn định, tiếp tục là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Đặc biệt, năm 2024, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 330.375,5 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 82,6% kế hoạch năm 2024 được giao.
Bộ trưởng chỉ đạo nhiều giải pháp năm 2025, trong đó có việc sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động; sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết; nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon thứ cấp và thị trường cho DN khởi nghiệp sáng tạo; chú trọng tuyên truyền, đào tạo, thông tin kịp thời, chính xác cho nhà đầu tư, hạn chế tác động tâm lý do tin xấu, độc trên TTCK.