FPT ngại nới room vì sợ bị thâu tóm?

(BĐT) - Nếu kết quả kinh doanh khả quan năm 2015 làm nhà đầu tư an lòng thì việc chậm chễ công bố kế hoạch nới room lại là nỗi thất vọng lớn nhất của Công ty Cổ phần FPT tính đến thời điểm này.
Cổ phiếu FPT luôn kín room 49% vì cầu của nhà đầu tư đối với CP này rất lớn. Ảnh: Tường Lâm
Cổ phiếu FPT luôn kín room 49% vì cầu của nhà đầu tư đối với CP này rất lớn. Ảnh: Tường Lâm

Kế hoạch kinh doanh 2016 khiêm tốn

Với vị thế là một Bluechip trên thị trường, cổ phiếu của Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán FPT) luôn thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 của FPT cho thấy, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 40.002 tỷ đồng, tăng trưởng 14%, lợi nhuận sau thuế đạt 2.483 tỷ đồng, tăng 17%, EPS đạt 4.369 đồng/cổ phiếu, tăng 17% so với năm 2014.

Phân tích kỹ hơn về cơ cấu kinh doanh, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC chỉ rõ 3 mảng kinh doanh chính đóng góp chủ đạo vào doanh thu và lợi nhuận FPT. Mảng viễn thông đạt doanh thu 5.484 tỷ đồng (tăng trưởng 15,99%), theo đó lợi nhuận trước thuế đạt 1.041 tỷ đồng (tăng trưởng 11,22%). Mảng công nghệ tăng trưởng 22,26% với 8.605 tỷ đồng doanh thu và 926 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng trưởng 25,14%).  Mảng phân phối và bán lẻ tăng trưởng khiêm tốn nhất (10,92%) với doanh thu đạt 25.212 tỷ đồng (tăng trưởng 10,92%), trong khi đó lợi nhuận trước thuế đạt 729 tỷ đồng (tăng trưởng 23,77%).

Năm 2016, FPT đặt kế hoạch tăng trưởng hai con số. Động lực chính là khối công nghệ và phân phối, bán lẻ (tổng lợi nhuận hai khối năm 2016 dự kiến tăng trưởng trên 20%), đồng thời tiếp tục tập trung đầu tư vào hạ tầng khối viễn thông và hoạt động nghiên cứu sản phẩm. Cụ thể, mục tiêu doanh thu toàn Tập đoàn là 45.796 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2015, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng khiêm tốn 10,5% với 3.151 tỷ đồng so với năm 2015.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VCBS, FPT đặt kế hoạch khá thấp cho năm 2016 chủ yếu do Công ty phải dự phòng ở mảng viễn thông (1,5% doanh thu) cho việc đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và tiếp tục đầu tư dự án quang hóa ở 5 thành phố ngoài Hà Nội và TP.HCM. Thông tin này khá bất ngờ khi trước đó mảng viễn thông được kỳ vọng sẽ tăng trưởng lợi nhuận sau khi giảm khấu hao và đầu tư do quang hóa. Theo VCBS, FPT vẫn đang xin phép cơ quan quản lý không phải đóng góp khoản này do Công ty đã có hạ tầng về khu vực tỉnh xa. Nếu việc này thành công, dự kiến lợi nhuận trước thuế viễn thông theo kế hoạch có thể tăng 9,5% và lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn có thể tăng 14%. Tuy vậy, dưới sức ép ngân sách như hiện nay, khả năng xin rút phần đóng góp này khá khó khăn và chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng là đưa phần đóng góp này vào dự phòng.

Mặc dù đặt mục tiêu kinh doanh năm 2016 khá thấp nhưng việc quay lại tăng trưởng lợi nhuận 2 con số trong năm 2015 là tín hiệu tích cực của FPT. Nhiều công ty chứng khoán đưa ra đánh giá khả quan đối với cổ phiếu (CP) FPT với kỳ vọng giá CP tăng cao hơn thời điểm hiện tại. 

Ngần ngại nới room

Theo Báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2015 của FPT, nội dung gia tăng sở hữu nhà đầu tư nước ngoài chưa một lần được đặt lên bàn nghị sự của HĐQT công ty này. Trên thị trường, CP FPT luôn kín room 49% với sự hiện diện của Dragon Capital (sở hữu 7,58%), Redriver Holding (sở hữu 5,72%), Government of Singapore (sở hữu 3,56%)… Mỗi khi CP FPT hở room lại nhanh chóng được lấp đầy cho thấy cầu của nhà đầu tư ngoại đối với CP này rất lớn.

Trong email gửi cho phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Hưng, nhà đầu tư tại Sàn chứng khoán HSC cho biết, FPT là một công ty toàn cầu theo nhiều nghĩa. Ngoài việc có các đơn vị hiện diện tại nhiều nơi trên thế giới, sản phẩm xuất khẩu và bản thân doanh nghiệp (DN) này cũng có kế hoạch nâng cấp chất lượng nhân sự hướng đến tiêu chuẩn công ty toàn cầu. Tuy nhiên về cơ cấu sở hữu vốn, đến thời điểm này, FPT vẫn là công ty trong nước, không huy động thêm được nguồn lực nước ngoài cho việc phát triển DN. Việc chậm trễ công bố kế hoạch mở room cho thấy, FPT không thể hiện được vị thế một Bluechip sẵn sàng đón nhận các cơ hội trên thị trường.

Trên thực tế, việc mở room của FPT đã được nhà đầu tư nhiều lần đưa ra mổ xẻ. Do có nhiều ngành nghề kinh doanh (công nghệ thông tin, viễn thông, giáo dục, bán lẻ, phân phối…) nên cần phải xác định FPT là ngành nào, giới hạn tỷ lệ tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu để có thể mở room. Tuy nhiên, một DN khác cũng có nhiều ngành nghề kinh doanh là Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) gần đây đã xin rút bớt ngành nghề kinh doanh dọn đường cho việc mở room. Một điểm đáng lưu ý, VNM và FPT đều là những DN nằm trong kế hoạch thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Câu hỏi được nhà đầu tư đặt ra phải chăng Ban lãnh đạo FPT đang âm thầm gia tăng sở hữu trước khi xin mở room. Một giả thiết nữa là FPT e ngại việc mở room sẽ đặt ra thách thức trong hoạt động quản trị và nguy cơ bị thâu tóm. Bởi đây là một trong những DN đầu ngành có hiệu quả kinh doanh khá tốt từ ngành nghề kinh doanh cốt lõi, luôn nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư ngoại.

Chuyên đề