Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Thiết kế một chương về lựa chọn nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tin, giải trình làm rõ thêm một số nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều ngày 25/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được thiết kế một chương (Chương III) về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Theo Bộ trưởng Diên, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa Luật Dầu khí hiện hành và Nghị định 95 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, đồng thời tham khảo một số nội dung quy định tại Luật Đấu thầu về các điều kiện tham dự thầu. Mặt khác, trong dự thảo nghị định hướng dẫn về Luật này tới đây khi được Quốc hội thông qua sẽ quy định các nội dung rất chi tiết thực hiện theo ý kiến mà các vị đại biểu đã góp ý.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương - Cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra và các Cơ quan có liên quan, tiếp thu tối đa ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật nhằm giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17 ngày 27/7/2021. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng thống nhất cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật.

“Tại phiên họp này, một số đại biểu tiếp tục góp ý rất cụ thể, chi tiết vào một số chương, điều của dự thảo luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Nội dung nào không thể hiện được trong Dự thảo Luật, chúng tôi sẽ thể hiện trong nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết.

Trước đó, thảo luận tại phiên họp cùng ngày, đa số các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các ý kiến tiếp thu, giải trình cũng như nội dung của Dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Liên quan đến quy định về lựa chọn nhà thầu đề cập trong Dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, Điều 16 Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thì được tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tiến, điều kiện để thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí quy định tại khoản 3 Điều 12 của Dự thảo Luật lại rất hạn chế, không cho cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí mà bắt buộc phải liên danh với tổ chức có đủ điều kiện mới được thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.

“Đề nghị làm rõ lý do tại sao cá nhân không được thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí mà lại được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký, kết hợp đồng dầu khí”, ông Tiến nêu ý kiến.

Về lựa chọn nhà thầu tại, theo đại biểu Tiến, từ Điều 16 đến Điều 25 thuộc Chương III Dự thảo Luật quy định đều mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể. Do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể chi tiết hơn như về hình thức đảm bảo dự thầu, thời gian, hiệu lực của đảm bảo dự thầu, giá đảm bảo dự thầu cũng như việc hoàn trả đảm bảo dự thầu…

Ví dụ về bảo đảm dự thầu, Điều 25 Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về hình thức đảm bảo dự thầu, thời gian, hiệu lực của đảm bảo dự thầu, giá đảm bảo dự thầu cũng như việc hoàn trả đảm bảo dự thầu...

“Tại khoản 2 Điều 25 có quy định việc hoàn trả lại tiền bảo đảm dự thầu, vấn đề đặt ra là nếu đảm bảo dự thầu bằng các hình thức khác không phải là tiền thì có được hoàn trả lại không? Nếu nhà thầu vi phạm quy định về đấu thầu thì có được hoàn trả đảm bảo dự phòng không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Cơ bản thống nhất với Dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nhận xét, Dự thảo Luật không có quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được thực hiện theo Luật Dầu khí. Trong khi đó, khoản 4 Điều 1 của Luật Đấu thầu hiện hành đã có quy định rất rõ ràng việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Để không tạo khoảng trống giữa các quy định pháp luật hiện hành, đại biểu Trần Thị Thu Hằng kiến nghị một số nội dung.

Một là sửa đổi khoản 12 Điều 58, tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí tại Luật này trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng, minh bạch, hiệu quả.

Hai là, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 4 theo hướng việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí.

“Việc bổ sung này là cần thiết để khẳng định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí sẽ áp dụng Luật Dầu khí, nhằm đảo bảo tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các luật dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế triển khai thực hiện dầu khí…”, bà Hằng nhấn mạnh.

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm đối với hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu liên quan đến đấu thầu, thông tin, số liệu khai thác dầu khí, điều tra cơ bản hợp đồng mua bán dầu khí…

Báo cáo trước Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án Luật đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và đã nhận được sự quan tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 06 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 04 điều).

Chuyên đề