Định vị không gian phát triển và thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quảng Ngãi đang hoàn thiện việc lập quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ hội để nhận diện những bất cập, hạn chế trong giai đoạn hiện nay, từ đó, định hình lại không gian phát triển trong 10 năm, 30 năm tới để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng trong xu thế phát triển. Quy hoạch lần này được kỳ vọng sẽ giúp cho Quảng Ngãi bứt phá, nâng cao vị thế của địa phương tại miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thể hiện rõ tầm nhìn, khát vọng, định hướng tăng trưởng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững và bao trùm. Ảnh: Hà Minh
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thể hiện rõ tầm nhìn, khát vọng, định hướng tăng trưởng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững và bao trùm. Ảnh: Hà Minh

Đột phá từ quy hoạch

Quảng Ngãi xác định công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ nền tảng trong hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, hài hòa và bền vững. Đây là cơ sở để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư một cách bài bản, hiệu quả cao nhất, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cũng như khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tỉnh.

Quy hoạch cũng là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. Vì thế, muốn phát triển tốt phải có quy hoạch tốt, muốn có dự án tốt phải có quy hoạch tốt, quy hoạch phải đi trước một bước.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, kinh tế Quảng Ngãi có bước chuyển biến tích cực. Ấn tượng nhất là lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế chưa đa dạng, ngành công nghiệp của Tỉnh trong thời gian dài phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn. Điều đáng lo ngại là đang có nguy cơ xung đột rất lớn giữa phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường. Vì thế, ngay từ bây giờ, Quảng Ngãi cần xây dựng tầm nhìn chiến lược và một kịch bản thích hợp, dựa trên nguyên tắc tăng trưởng xanh, đặt tăng trưởng trong sự so sánh với khu vực để có khát vọng vươn lên bền vững.

Theo đánh giá của chuyên gia, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên quan điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Bên cạnh đó, Đồ án quy hoạch Tỉnh cần giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức, nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp bằng việc tổ chức không gian phát triển hợp lý, hướng đến bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của Tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người bằng mức bình quân chung của cả nước.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, làm quy hoạch là một sứ mệnh hiếm có nên Quảng Ngãi phải tận dụng được cơ hội này. Đây không phải là nghĩa vụ phải hoàn thành mà là cơ hội để thay đổi cách nghĩ về phát triển, quy hoạch để tạo ra một cách phát triển mới có triển vọng cho tương lai, cho nên quy hoạch lần này có một sứ mệnh và thời cơ rất lớn.

Lựa chọn phát triển theo hướng hài hòa và bền vững

Tại Hội thảo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn đã đưa ra 3 kịch bản phát triển của tỉnh Quảng Ngãi. Kịch bản 1 là phát triển theo hướng đa trung tâm. Kịch bản 2 là phát triển theo hướng công nghiệp hóa toàn diện. Kịch bản 3 là phát triển theo hướng hài hòa và bền vững.

Hôm nay có lọc dầu, có sắt thép, nhưng hãy xem đây là lĩnh vực bản lề để tái đầu tư cho các lĩnh vực khác. Đồng thời, không chỉ lấy người dân làm trung tâm, mà tất cả người dân Quảng Ngãi phải được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng, phát triển.

Qua phân tích, tỉnh Quảng Ngãi chọn kịch bản 3. Theo kịch bản này, trong giai đoạn 2021 - 2030, các lĩnh vực công nghiệp nền tảng như xăng dầu, thép… vẫn sẽ là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của Tỉnh. Sau năm 2030 cần phân bổ nguồn lực để dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản chất lượng cao, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng...

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi khá công phu, thể hiện rõ tầm nhìn, khát vọng của Quảng Ngãi theo định hướng tăng trưởng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững và bao trùm.

Trong 3 kịch bản mà đơn vị tư vấn báo cáo, kịch bản thứ 3 về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ngãi đến năm 2030, tầm nhìn 2050 nhận được sự đồng thuận cao. TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây không phải là phương án có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 3 phương án tư vấn trình bày, nhưng cũng đủ tốt để Quảng Ngãi đạt được khát vọng phát triển cùng cả nước nói chung, hướng đến mục tiêu năm 2030 là nước có mức thu nhập trung bình cao, năm 2045 là nước thu nhập cao, nước phát triển.

Lợi thế của kịch bản thứ 3, theo TS. Võ Trí Thành, không hoàn toàn là con số tăng trưởng, là con số tổng đầu tư, mà nằm ở chỗ lựa chọn những nguồn lực, cách tạo ra của cải vốn có, dùng nguồn lực đó để tạo ra sự phát triển theo cách khác. “Trong giai đoạn hiện nay, đối với Quảng Ngãi, công nghiệp là lĩnh vực được quan tâm và chú ý hơn cả, đặc biệt là một số lĩnh vực đang giữ vai trò trọng yếu như lọc hóa dầu, gần đây và sắp tới là thép và một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, những vấn đề hôm nay lại có thể xung đột với ngày mai. Tăng trưởng nhanh nhưng phải “xanh”, phải bền vững. Hôm nay có lọc dầu, có sắt thép, nhưng hãy xem đây là lĩnh vực bản lề để tái đầu tư cho các lĩnh vực khác. Đồng thời, không chỉ lấy người dân làm trung tâm, mà tất cả người dân Quảng Ngãi phải được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng, phát triển”, ông Thành chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn nhưng sức lan tỏa không cao. Chất lượng cuộc sống của đại đa số người dân chưa chuyển biến rõ nét, chênh lệch thu nhập giữa các vùng, miền có xu hướng tăng cao. Điều đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi chưa đi đôi với phát triển.

Điều này cũng thể hiện trong cách nhìn nhận của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Quy hoạch Quảng Ngãi đã tính tới những thay đổi về cách thức mỗi mô hình phát triển. Tuy nhiên, mô hình phát triển của Quảng Ngãi đang tập trung vào một số điểm, một số chỗ, dựa vào nhiều doanh nghiệp lớn dẫn đến đại đa số người dân không được hưởng thụ từ sự phát triển này. Vì vậy, mô hình này phải thay đổi, muốn vậy, quy hoạch phải vạch ra được một mô hình mới, cách thức phát triển mới và phải có sự hành động của chính quyền bằng chính sách, bằng phân bổ nguồn lực và phải thoát ra được sự phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn. Muốn vậy phải có tư duy sáng tạo, phát triển nhiều vùng, nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác ngoài khu công nghiệp, các khu công nghiệp chỉ là hỗ trợ.

“Đừng chăm chú quá nhiều vào khu kinh tế, khu công nghiệp vì loại hình này chủ yếu chịu sự quyết định ở nơi khác, ở yếu tố khác chứ không phải quyết định của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi”, ông Cung phân tích.

Chuyên đề