Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 6/1/2016

Sau phiên hoảng loạn đầu năm mới do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, chứng khoán toàn cầu đã lấy lại sự cân bằng trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, giá dầu tiếp tục giảm giá và trở lại mức thấp nhất 11 năm bất chấp sự căng thẳng tại Trung Đông.
Điểm tin quốc tế nổi bật sáng 6/1/2016

Sau phiên hoảng loạn đầu năm do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Trung Quốc, phố Wall đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba khi chứng khoán Trung Quốc hãm đà rơi sau động thái bơm 20 tỷ USD vào hệ thống tài chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Sự phục hồi của Dow Jones và S&P 500 trong phiên thứ Ba còn nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Wal Mart khi cổ phiếu của đại gia bán lẻ này tăng 2,4%.

Ngoài ra, một thông tin khác cũng hỗ trợ thị trường là doanh số bán lẻ xe hơi trong năm 2015 đã thiết lập kỷ lục mới, trong đó doanh số bán xe tháng 12 giảm ít hơn dự báo.

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số Dow Jones tăng 9,72 điểm (+0,06%), lên 17.158,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,05 điểm (+0,2%), lên 2.016,71 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 11,66 điểm (-0,24%), xuống 4.891,43 điểm.

Cũng giống phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba sau phiên đổ đeo hôm thứ Hai do ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Hỗ trợ cho chứng khoán khu vực phục hồi trong phiên này là nhóm cổ phiếu khai thác mỏ và viễn thông, dù những lo ngại về kinh tế Trung Quốc vẫn còn. Ngoài ra, với dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến, giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp tục có chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng gói kích thích kinh tế, giúp chứng khoán châu Âu hồi phục.

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 43,81 điểm (+0,72%), lên 6.137,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 26,66 điểm (+0,26%), lên 10.310,10 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,18 điểm (+0,34%), lên 4.537,63 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên bán tháo ồ ạt hôm thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm 20 tỷ USD vào hệ thống tài chính trong nỗ lực vực dậy thị trường. Động thái này bước đầu đã phát huy hiệu quả khi tạm thời chặn được đà bán tháo trong phiên thứ Ba, qua đó giúp các thị trường trong khu vực cũng ổn định hơn.

Tuy nhiên, với phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong năm 2016, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi.

Kết thúc phiên 5/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 76,98 điểm (-0,42%), xuống 18.374  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 138,40 điểm (-0,65%), xuống 21.188,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,55 điểm (-0,26%), xuống 3.287,71 điểm.

Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng khi tâm lý bất an vẫn đang bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu, dù chứng khoán Âu, Mỹ đã có phiên hồi nhẹ trở lại. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng USD khiến giá vàng không thể tăng mạnh như phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 5/1, giá vàng giao ngay tăng 3,1 USD (+0,29%), lên 1.077,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 3,2 USD (+0,3%), lên 1.078,4 USD/ounce.

Nỗi lo dư cung, cùng với việc đồng USD tăng mạnh đã lấn át thông tin căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước xuất khẩu dầu lớn của OPEC là Ả Rập Xê út và Iran, khiến giá dầu thô tiếp tục sụt giảm và trở lại mức thấp nhất 11 năm trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 5/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,79 USD/thùng (-2,2%), xuống 35,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,80 USD (-2,2%), xuống 36,42 USD/thùng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư