Dịch Covid-19 kéo dài, nhiều nơi vẫn đấu thầu truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có văn bản đề nghị tăng cường tổ chức đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tạo thuận lợi cho nhà thầu, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Ngay sau đó, UBND các tỉnh, thành phố đã có văn bản quán triệt tới các sở, ban, ngành, địa phương. Tuy nhiên, không ít địa phương vẫn lựa chọn đấu thầu truyền thống thay vì đấu thầu qua mạng.
Trong tháng 10/2021 có 4.245 gói thầu (tổng giá gói thầu 136.547 tỷ đồng) có thể áp dụng đấu thầu qua mạng nhưng vẫn được tổ chức đấu thầu truyền thống. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Trong tháng 10/2021 có 4.245 gói thầu (tổng giá gói thầu 136.547 tỷ đồng) có thể áp dụng đấu thầu qua mạng nhưng vẫn được tổ chức đấu thầu truyền thống. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Kết quả rà soát, của phóng viên Báo Đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, tháng 10/2021 có 4.245 gói thầu (tổng giá gói thầu 136.547 tỷ đồng) có thể áp dụng đấu thầu qua mạng nhưng vẫn được tổ chức đấu thầu truyền thống. Đáng chú ý là một số gói thầu trong số đó bị nhà thầu phản ánh khó tiếp cận hồ sơ mời thầu (HSMT), nộp hồ sơ dự thầu (HSDT).

Điển hình là chuyện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình mời thầu Gói thầu số 01 Thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Trường Mầm non xã Khánh Thịnh; hạng mục: san lấp mặt bằng, nhà học 2 tầng 10 phòng, nhà dinh dưỡng, nhà bảo vệ và các hạng mục phụ trợ. Gói thầu đóng/mở thầu vào ngày 2/11, có giá gói thầu 26,591 tỷ đồng và là gói thầu xây lắp duy nhất của Dự án (tổng mức đầu tư 27,502 tỷ đồng). Nhà thầu phản ánh bị cán bộ của Bên mời thầu gây khó dễ, phải “cầu cứu” lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình mới nộp được HSDT. Gói thầu được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu vào ngày 1/10/2021. Trước đó, ngày 31/8/2021, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương áp dụng đấu thầu qua mạng. Phóng viên đã liên lạc với ông Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô để tìm hiểu về nội dung phản ánh, nhưng ông Sơn né tránh việc làm rõ.

Kết quả rà soát cho thấy, đa số các gói thầu có thể áp dụng đấu thầu qua mạng (không có yếu tố đặc thù) nhưng vẫn được tổ chức đấu thầu trực tiếp. Đây là những gói thầu chính của dự án, có giá trị lớn so với các gói thầu còn lại. Chẳng hạn, ngày 4/11/2021, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 915 thông báo mời thầu Gói thầu XD-01 Đường kênh Nông trường, đường QLN1 (giá gói thầu 31,9 tỷ đồng) và Gói thầu XD-02 Cầu qua kênh Vĩnh Tế (20,7 tỷ đồng) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình Khu Kinh tế quốc phòng Tứ giác Long Xuyên/Quân khu 9, giai đoạn 2. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đang bán HSMT Gói thầu Xây dựng Trường Tiểu học Quang Trung - cơ sở 2 (giai đoạn 1), giá gói thầu 34,4 tỷ đồng…

Ngày 9/11/2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới phát hành HSMT Gói thầu xây lắp của Dự án Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông và hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm TP. Đồng Hới (85,19 tỷ đồng). Đây là gói thầu duy nhất của Dự án được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu ngày 25/10/2021 với hình thức đấu thầu rộng rãi không qua mạng. Trao đổi với phóng viên, cán bộ của Bên mời thầu cho biết, Gói thầu không có đặc thù về kỹ thuật nhưng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ nên được tổ chức đấu thầu không qua mạng. Bên mời thầu thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, nhiều chủ đầu tư vẫn viện lý do không đủ năng lực, không đủ hạ tầng công nghệ thông tin để không đấu thầu qua mạng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu qua mạng những gói thầu khác, còn những gói thầu chính lại đấu thầu không qua mạng. Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao người có thẩm quyền, chủ đầu tư không muốn tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà thầu và hạn chế sự lây lan dịch bệnh Covid-19.

Chuyên đề