Dự án y tế thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển KT-XH: Gia tăng áp lực “chặng nước rút”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời hạn giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ còn hơn 5 tháng. Việc thúc các dự án y tế sử dụng vốn hỗ trợ từ Chương trình về đích đúng hạn là bài toán đặt ra với nhiều chủ đầu tư hiện nay.
Tình hình giải ngân của các địa phương đối với các dự án lĩnh vực y tế sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lũy kế đến ngày 27/6/2024. (Nguồn: Số liệu Bộ Y tế)
Tình hình giải ngân của các địa phương đối với các dự án lĩnh vực y tế sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lũy kế đến ngày 27/6/2024. (Nguồn: Số liệu Bộ Y tế)

Lên kế hoạch sát giờ G

Bệnh viện Bạch Mai đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) các gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị y tế trong Danh mục Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tổng mức đầu tư 242,6 tỷ đồng. Trong đó, Gói 1 Thiết bị cấp cứu, hồi sức, điều trị, chẩn đoán hình ảnh (135,116 tỷ đồng) có 37 lượt nhà thầu tham dự; Gói 2 Thiết bị xét nghiệm (31,917 tỷ đồng) có 21 lượt nhà thầu tham dự; Gói 3 Thiết bị khử khuẩn, tiệt khuẩn (57,93 tỷ đồng) có 20 lượt nhà thầu tham dự; Gói 4 Cung cấp máy hạ thân nhiệt nội mạch chỉ huy (2,2 tỷ đồng) có 4 lượt nhà thầu tham dự. Bốn gói thầu trên đều có thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày. Nếu không có gì thay đổi, Dự án có nhiều khả năng về đích đúng hạn.

Chậm chân hơn so với Bệnh viện Bạch Mai, ngày 18/7/2024, chủ đầu tư Dự án Mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Phổi Trung ương (120 tỷ đồng) mới phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) đối với 6 gói thầu mua sắm hàng hóa. Dự kiến thời điểm đóng thầu vào ngày 5 - 7/8/2024. Theo tính toán, các gói thầu này cần tới 150 ngày để hoàn thành (bao gồm 60 ngày tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) và 90 ngày thực hiện hợp đồng).

Nhìn chung, các kế hoạch LCNT nêu trên gần như vừa khít với thời gian còn lại của kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 159 ngày, nếu thuận lợi thì các gói thầu, dự án trên có thể về đích đúng hạn.

Thách thức xử lý rủi ro phát sinh

Trên thực tế, việc tổ chức LCNT và thực hiện hợp đồng của nhà thầu trúng thầu không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi như kế hoạch đề ra. Có nhiều lý do phát sinh có thể khiến gói thầu kéo dài thời gian LCNT so với dự kiến.

Đơn cử, Gói thầu TBDA 01-2024 Cung cấp trang thiết bị hồi sức tích cực và nội soi thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện C Đà Nẵng (120 tỷ đồng) dự kiến mở thầu vào ngày 22/7/2024, nhưng bị lùi lại đến ngày 28/7/2024 vì phải sửa đổi HSMT theo hướng mở rộng các thông số kỹ thuật để có thêm nhiều hãng sản xuất đáp ứng. Thông số kỹ thuật ban đầu bị phản ánh có thể hạn chế nhà thầu tham gia.

Một gói thầu khác cùng thuộc dự án này (Gói thầu TBDA 03-2024 Cung cấp trang thiết bị ngoại khoa và can thiệp tim mạch) phải sửa đi sửa lại HSMT và phải gia hạn đóng thầu lần thứ hai, tới ngày 30/7/2024, đến nay vẫn chưa thể mở thầu.

Đồng cảnh ngộ, Gói thầu TBDA 01 - 2024 Cung cấp, lắp đặt hệ thống chụp cộng hưởng từ ≥ 1.5 Tesla (27 tỷ đồng) thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị Bệnh viện E giai đoạn 2022 - 2023 (137,853 tỷ đồng) phát hành HSMT từ ngày 18/6/2024, đóng thầu ngày 8/7/2024, nhưng phải dời ngày đóng thầu đến 16/7/2024 để điều chỉnh HSMT. Trong khi đó, theo kế hoạch LCNT, tổng thời gian LCNT và thực hiện hợp đồng là 210 ngày. Gói thầu này đang vấp loạt kiến nghị của nhà thầu về việc HSMT đưa ra yêu cầu quy mô hợp đồng tương tự quá cao; việc Chủ đầu tư từ chối giải quyết kiến nghị vì đơn kiến nghị không có chữ ký, đóng dấu của người đại diện hợp pháp của nhà thầu…

Theo Bộ Y tế, Bộ đã phân bổ đầy đủ vốn cho 15 dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ với tổng số vốn là 1.465 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/6/2024, kết quả giải ngân đạt 50,145 tỷ đồng (3,4%). Giải ngân kế hoạch vốn thấp do đang thực hiện công tác đấu thầu gói thầu hạng mục chính của các dự án. Các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ thanh toán cho các nhà thầu và phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đã được kéo dài trong năm 2024.

Đối với các dự án do địa phương, các bộ quản lý, tính đến ngày 27/6/2024, theo báo cáo của 55/58 tỉnh, thành phố, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, tổng số vốn giải ngân của các dự án thuộc lĩnh vực y tế là 5.502,629/11.762,859 tỷ đồng, đạt 46,78% kế hoạch.

Tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Gói thầu 2 Hệ thống chụp cộng hưởng từ (MRI) phải mất gần 5 tháng rưỡi mới hoàn tất LCNT. Do đó, khi đầu tư Dự án Xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực chống độc và mua sắm trang thiết bị (154,656 tỷ đồng), Bệnh viện phải cố gắng thực hiện khẩn trương để không lỡ nhịp. “7 gói thầu mua sắm thiết bị y tế thuộc Dự án đã mở thầu vào ngày 30/6/2024 và đang trong quá trình đánh giá HSDT. Trong đó, đa số các gói thầu đều thu hút từ 2 nhà thầu trở lên tham dự như: Gói 2 Thiết bị cắt lớp vi tính (6,825 tỷ đồng); Gói 4 Thiết bị siêu âm (5,67 tỷ đồng); Gói 7 Mua sắm giường bệnh nhân, tủ đầu giường (16,343 tỷ đồng); Gói 5 Thiết bị nội soi (14,44 tỷ đồng). Riêng phần/lô Máy sấy khô đồ vải ≥ 60kg thuộc Gói 6 Thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn có tới 5 nhà thầu tham dự”, cán bộ phụ trách phần mua sắm thiết bị của Dự án chia sẻ.

Tại Quảng Bình, trong 2 dự án y tế sử dụng vốn hỗ trợ của Chương trình, tính đến ngày 27/6/2024, Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo 6 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện (120 tỷ đồng) mới giải ngân được 6% kế hoạch vốn; Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 15 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện (30 tỷ đồng) giải ngân 0%. Ông Mai Hồng Ngọc - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết, để chấn chỉnh tình trạng chậm tiến độ, lãnh đạo UBND Tỉnh đã ra tối hậu thư: “Nếu hết ngày 31/12/2024, các dự án không hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao, bị hủy dự toán dẫn đến dự án thiếu vốn, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, đồng thời tự chủ động thu xếp nguồn vốn hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu đề ra”.

Chuyên đề