Gói thầu xây trường học tại Mỹ Xuyên (Sóc Trăng): Kiến nghị mà như không!

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng (Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 01 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Gói thầu số 01 Thi công xây dựng công trình có giá 22,347 tỷ đồng, thuộc Dự án Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu số 01 Thi công xây dựng công trình có giá 22,347 tỷ đồng, thuộc Dự án Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Kiến nghị đến Bên mời thầu, một nhà thầu cho rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) có nhiều tiêu chuẩn đánh giá chưa phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu và pháp luật liên quan, hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Gói thầu có giá 22,347 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng từ ngày 29/6 - 17/7/2024, do Công ty TNHH Ba Xuyên tư vấn lập HSMT, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Trương Gia Hưng thẩm định HSMT.

Sau khi HSMT được phát hành, một nhà thầu đã có văn bản kiến nghị Bên mời thầu sửa đổi các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật tại HSMT.

Cụ thể, về nhân sự chủ chốt, đối với vị trí chỉ huy trưởng, HSMT yêu cầu đáp ứng đồng thời các điều kiện: có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành xây dựng dân dụng/kỹ thuật xây dựng ≥ 5 năm; có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình dân dụng hạng III còn hiệu lực; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ huy trưởng công trình; đã là chỉ huy trưởng tối thiểu 2 công trình tương tự.

Theo Nhà thầu, khoản 1 Điều 74 Nghị định 15/2021/NĐ-CP (hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng) quy định, cá nhân được hành nghề chỉ huy trưởng hạng III khi đáp ứng một trong hai điều kiện: “có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III” hoặc “đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 1 công trình từ cấp III hoặc 2 công trình từ cấp IV cùng lĩnh vực trở lên”. Việc HSMT yêu cầu cá nhân phải đáp ứng đồng thời điều kiện về chứng chỉ và kinh nghiệm như trên là không tuân thủ quy định pháp luật xây dựng, dẫn đến hạn chế cạnh tranh.

Đối với vị trí cán bộ kỹ thuật phụ trách thi công phòng cháy chữa cháy (PCCC), HSMT yêu cầu trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp PCCC trở lên; có chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về PCCC; đã đảm nhận vị trí tương tự tại tối thiểu 2 công trình dân dụng cấp III. Theo Nhà thầu, đây là chức danh rất hiếm nhà thầu, đơn vị sử dụng lao động nào có sẵn. Trên địa bàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khả năng huy động nhân sự tốt nghiệp chuyên ngành PCCC lại càng khó. Do đó, Nhà thầu kiến nghị Bên mời thầu thêm vào điều kiện “tốt nghiệp trung cấp PCCC hoặc chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC còn hiệu lực”, nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu tham dự.

Bên cạnh đó, Nhà thầu phản ánh việc HSMT yêu cầu vị trí phụ trách an toàn lao động tốt nghiệp đại học trở lên cũng có thể gây hạn chế cạnh tranh, bởi khoản 3 Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định rất rõ về điều kiện đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách. “Theo đó, không bắt buộc người làm công tác an toàn vệ sinh lao động chuyên trách phải có trình độ đại học, mà có thể là trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, miễn là đáp ứng số năm kinh nghiệm theo quy định của Điều này”, Nhà thầu phân tích.

Về thiết bị thi công chủ yếu, HSMT yêu cầu “máy đóng cừ tràm”. Trong khi đây là thiết bị không có trong định mức xây dựng theo quy định của Nhà nước, trên thị trường không có loại thiết bị này.

Liên quan đến tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, tại nội dung yêu cầu về quản lý vật tư, vật liệu, HSMT quy định (đạt/không đạt): “Nhà thầu lập bảng đề xuất chủng loại, xuất xứ, nhãn hiệu của vật tư, vật liệu, thiết bị rõ ràng và không đề xuất chủng loại tương đương đối với các loại vật tư, vật liệu, thiết bị đã đề xuất”. Theo Nhà thầu, yêu cầu này làm khó nhà thầu.

Ngày 8/7/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng có văn bản phúc đáp. Theo đó, Bên mời thầu cho biết, do tính chất quan trọng, đặc điểm của gói thầu có nhiều hạng mục, khối lượng công việc lớn, nên các vị trí, chức danh được yêu cầu cụ thể về lĩnh vực nhằm bảo đảm triển khai công trình đúng tiến độ, chất lượng, điều này phù hợp với pháp luật đấu thầu và pháp luật xây dựng. Liên quan đến tiêu chuẩn của nhân sự phụ trách PCCC, Bên mời thầu cho rằng, cá nhân tốt nghiệp chuyên ngành PCCC tại các trường, cơ sở đào tạo của Bộ Công an có thể thuộc hoặc không thuộc biên chế của Bộ, nhà thầu vẫn có thể huy động được. Đối với nội dung phản ánh còn lại, Bên mời thầu bảo lưu quan điểm và đề nghị nhà thầu tham dự tuân thủ HSMT.

Theo chuyên gia đấu thầu, nguyên tắc khi lập HSMT là vừa tuân thủ pháp luật đấu thầu, vừa phải bảo đảm sự phù hợp với các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan. Trường hợp HSMT quy định các điều kiện, tiêu chuẩn về nhân sự chủ chốt mà pháp luật chuyên ngành không yêu cầu đều có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, vi phạm khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu. Cũng theo vị chuyên gia, đối với vật liệu xây dựng thông thường, việc yêu cầu nhà thầu kê khai nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể trong hồ sơ dự thầu mà không được đề xuất tương đương là làm khó nhà thầu.

Chuyên đề