Thống nhất cách hiểu, vào cuộc triển khai hiệu quả Luật Đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Đấu thầu năm 2023 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch của công tác đấu thầu. Từ thực tiễn triển khai, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý một số vấn đề để thực thi hiệu quả Luật Đấu thầu và các văn bản quy định chi tiết Luật.
Luật Đấu thầu năm 2023 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước...
Luật Đấu thầu năm 2023 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước...

Làm rõ vấn đề còn lúng túng trong lựa chọn nhà thầu

Theo Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, ngoài dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đã trình Chính phủ, đến nay, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu về cơ bản đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động đấu thầu theo quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2023.

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đấu thầu và các văn bản quy định chi tiết Luật này, một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng, chưa có cách hiểu thống nhất trong việc áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư hình thành từ nguồn vốn chi thường xuyên và gói thầu thuộc dự án đầu tư công.

Về vấn đề này, ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT), làm rõ, áp dụng hạn mức chỉ định thầu 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư hình thành từ nguồn vốn chi thường xuyên và không thuộc dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công; áp dụng hạn mức chỉ định thầu 500 triệu đồng (gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn) hoặc 1 tỷ đồng (gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp) đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công. Ngoài ra, Luật Đấu thầu đã quy định cơ chế linh hoạt, thủ tục đơn giản, đồng thời rút ngắn các mốc thời gian lựa chọn nhà thầu thông qua việc áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh đối với các gói thầu không quá 5 tỷ đồng. Do vậy, trường hợp gói thầu vượt hạn mức chỉ định thầu thì có thể xem xét áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh. Việc áp dụng hình thức này vẫn bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Về thẩm quyền quyết định việc mua sắm và việc lập, phê duyệt quyết định mua sắm, hiện nay, nhiều địa phương gặp vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền quyết định việc mua sắm đối với hàng hóa, dịch vụ không phải tài sản công có giá trị trên 200 triệu. Căn cứ quy định tại Điều 91 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, Cục QLĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương trình Hội đồng nhân dân ban hành quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm đối với các hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi quản lý của mình để bảo đảm không làm đình trệ hoạt động đấu thầu, mua sắm.

Sớm hướng dẫn về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá HSDT chọn nhà đầu tư

Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương rất mong muốn đẩy mạnh thu hút, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện các dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường. Tuy nhiên việc lựa chọn nhà đầu tư còn gặp vướng mắc chính là chưa có tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành do nhiều bộ quản lý chuyên ngành chưa ban hành hướng dẫn cụ thể. Việc áp dụng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo dự án đầu tư có sử dụng đất vào những lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục… sẽ không phù hợp, rất khó xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu.

Góp phần tháo gỡ vướng mắc này, Nghị định 23/2024/NĐ-CP (NĐ23) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực đã có 1 chương quy định về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá HSDT (Chương V).

Bộ KH&ĐT cho biết đã rà soát, quy định tối đa các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá HSDT tại NĐ 23. Tuy nhiên, nghị định này không thể quy định đầy đủ tiêu chuẩn đánh giá áp dụng cho từng dự án có tính đặc thù thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là ngành, lĩnh vực đến nay chưa phát sinh trong thực tế cũng như chưa được pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực quy định. Vì thế, NĐ 23 có nội dung giao Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế để bảo đảm không trái với quy định của Luật Đấu thầu 2023 và NĐ23. Đồng thời, tổ chức rà soát đánh giá việc áp dụng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư; hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực và việc triển khai hợp đồng dự án để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định biện pháp thi hành phù hợp với điều kiện đặc thù của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong trường hợp cần thiết.

Lãnh đạo Cục QLĐT lưu ý các Bộ quản lý ngành nhanh chóng tổ chức rà soát, xem xét ban hành văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp với điều kiện đặc thù của ngành, lĩnh vực nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để các địa phương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với một số nhóm dự án đầu tư có nhiều nhà đầu tư quan tâm (như dự án điện, hạ tầng khu công nghiệp…) nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của NĐ23, theo ông Trần Hào Hùng, các địa phương xem xét chọn áp dụng Luật Đấu thầu để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện quy định của Luật Đất đai năm 2024 và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, Cục QLĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương trình Hội đồng nhân dân ban hành các tiêu chí quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Về đấu thầu qua mạng, Luật Đấu thầu năm 2023 đã bổ sung quy định về lộ trình đấu thầu qua mạng nhằm đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, coi đây là công cụ quan trọng, hữu hiệu để rút ngắn thời gian tổ chức đấu thầu, tăng cường tính công khai minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu. Để bảo đảm thực thi hiệu quả quy định của Luật Đấu thầu, Cục QLĐT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định số 23/2024/NĐ-CP và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Chuyên đề