Đề xuất thí điểm định giá điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương đang nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT), lộ trình thực hiện để trình Thủ tướng phê duyệt triển khai trên toàn quốc. Công việc này cần có thời gian để đề xuất ban hành quy định. Trong giai đoạn chờ đợi, Bộ Công Thương đề xuất Chương trình thí điểm xác định giá ĐMT để thực hiện các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tính đến hết tháng 8/2020, cả nước đã có 92 dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành và phát điện với tổng công suất 6.165 MWp. Ảnh: Trung Thành
Tính đến hết tháng 8/2020, cả nước đã có 92 dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành và phát điện với tổng công suất 6.165 MWp. Ảnh: Trung Thành

Cần có cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư điện mặt trời

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 8/2020, cả nước đã có 92 dự án ĐMT được đưa vào vận hành và phát điện với tổng công suất 6.165 MWp (tương đương gần 5.000 MW). Trong giai đoạn 2020 - 2025, nguồn ĐMT sẽ được đẩy mạnh đầu tư để bù đắp nguy cơ thiếu hụt điện cho phát triển.

Tại Dự thảo Chương trình thí điểm xác định giá ĐMT đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công Thương đã chỉ ra một số hạn chế trong chính sách giá FIT (cơ chế hỗ trợ giá cố định). Đó là các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, ảnh hưởng đến sự ổn định lưới điện, gia tăng cạnh tranh về đất đai; cơ chế quyết định giá như hiện nay khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường.

“Vì vậy, việc nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và làm cơ sở xác định giá mua bán ĐMT là cần thiết, phù hợp với xu hướng trên thế giới”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tuy vậy, pháp luật hiện hành về đầu tư, đấu thầu và điện lực chưa có quy định về lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐMT theo giá mua bán điện. Do đó, Bộ Công Thương cần có thời gian nghiên cứu để đề xuất ban hành quy định về cơ chế đấu thầu cạnh tranh nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, giảm chi phí mua điện, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư.

Hơn nữa, cơ chế giá FIT tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT được áp dụng cho các dự án ĐMT đáp ứng yêu cầu về thời điểm được cấp chủ trương đầu tư và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021. Hiện có nhiều dự án ĐMT đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực cũng như được cấp chủ trương đầu tư hay đã hoàn thành thẩm định hồ sơ đề nghị bổ sung vào quy hoạch đang chờ cơ chế, chính sách mới về phát triển ĐMT để tiếp tục quyết định đầu tư.

Thí điểm trong giai đoạn chờ cơ chế

Với tình hình nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế giá FIT sang cơ chế đấu thầu cho các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực và không đủ điều kiện áp dụng giá FIT, cần thực hiện Chương trình thí điểm xác định giá ĐMT.

Việc thực hiện Chương trình thí điểm nhằm đảm bảo 4 mục tiêu lớn. Trước hết là tính liên tục về chính sách khuyến khích phát triển ĐMT, qua đó huy động kịp thời nguồn cung cấp điện giai đoạn đến năm 2025 cho hệ thống điện, đảm bảo cân đối cung cầu trước nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Nam. Hai là hướng tới cơ chế cạnh tranh, giảm giá mua điện từ các dự án ĐMT trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế giá FIT sang cơ chế đấu thầu. Ba là thí điểm để nhận định thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về chính sách, thể chế, quy trình thủ tục phục vụ cho nghiên cứu, đề xuất cơ chế đấu thầu phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Bốn là tạo điều kiện thuận lợi duy trì và phát triển thị trường thiết bị, dịch vụ, thúc đẩy thị trường vốn đầu tư và nhân lực lao động trong ngành công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến nền kinh tế.

Theo Dự thảo Quyết định Chương trình thí điểm, dự kiến, từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2021 sẽ tổ chức lựa chọn dự án theo giá điện; từ năm 2021 đến tháng 6/2022 là thời gian hoàn thiện thủ tục và thực hiện đầu tư dự án. Chương trình áp dụng đối với các dự án ĐMT trong quy hoạch phát triển điện lực và chỉ áp dụng 1 lần đối với dự án ĐMT nổi và ĐMT nối lưới. Chương trình không áp dụng đối với dự án ĐMT nối lưới được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hình thức mua bán điện trực tiếp.

Nguyên tắc áp dụng là các dự án ĐMT tham gia Chương trình có giá bán điện từ thấp đến cao, dưới mức giá trần do Thủ tướng phê duyệt, sẽ lựa chọn để phát triển cho đến khi đạt tổng quy mô công suất của Chương trình.

Giá trần điện mặt trời của Chương trình thí điểm áp dụng theo quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Giá điện áp dụng cho dự án được lựa chọn sẽ là mức giá bán điện đề xuất của nhà đầu tư và nhỏ hơn mức giá trần được Thủ tướng phê duyệt…

Chuyên đề