Đầu tư điện mặt trời: Đấu thầu dự án là tối ưu

(BĐT) - Với nhiều ưu điểm vượt trội, phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự án điện mặt trời sẽ khuyến khích mạnh mẽ đầu tư năng lượng, góp phần bảo đảm khả năng thành công cao của các dự án. Với nhận định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, thực hiện triển khai việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP điện mặt trời.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Phương án trên là một trong 3 phương án xác định giá điện cạnh tranh được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2020.

Về lý do kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn phương án này, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc khuyến khích các dự án năng lượng đầu tư theo phương thức PPP đã được nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành đầu tháng 2/2020. Ngoài ra, phương án này có nhiều điểm thuận lợi.

Cụ thể, khung pháp lý hiện hành về PPP đã quy định rõ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong việc độc lập thẩm định, phê duyệt các dự án điện mặt trời theo phương thức PPP như: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, cùng các văn bản hướng dẫn khác. “Việc phê duyệt dự án trước khi đấu thầu sẽ bảo đảm khả năng thành công cao mà không gặp phải các rủi ro về thủ tục đầu tư và đất đai trong quá trình thực hiện dự án đầu tư”, Bộ KH&ĐT đánh giá.

Bên cạnh đó, đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án PPP điện mặt trời bảo đảm phân chia rủi ro hợp lý giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; đánh giá tổng thể được về năng lực nhà đầu tư như: kinh nghiệm, chuyên môn, tài chính. Qua đó, bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Tại văn bản được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xác định giá điện cạnh tranh đối với các dự án điện mặt trời vào tháng 3/2020, cơ quan này đánh giá Phương án có 3 ưu điểm lớn. Một là quản lý quy hoạch, hệ thống điện đồng bộ, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phụ tải. Hai là quy trình thủ tục lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, phân định rõ trách nhiệm của các bên, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn vốn trong nước, quốc tế tham gia đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời quy mô lớn, yêu cầu vốn lớn. Ba là tác động tích cực đến giảm chi phí phát triển các dự án, giá mua điện.

Mặc dù vậy, phương án này có hạn chế là các dự án điện mặt trời nổi có quy mô khá lớn, nên cần thiết phải chuẩn bị phương án đầu tư hạ tầng truyền tải cho dự án. Mặt khác, hợp đồng mua bán điện của các dự án điện mặt trời cũng cần được điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm lợi ích của các bên tham gia để có thể huy động nguồn vốn lớn từ trong nước và nước ngoài.

Qua phân tích này, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đối với 2 phương án đề xuất còn lại là đấu giá theo dự án và đấu giá theo trạm biến áp, Bộ KH&ĐT cho rằng, phương án đấu giá được đề xuất dưới tên gọi là “đấu giá”, nhưng sử dụng trình tự, thủ tục đấu thầu dự án đầu tư (như một giai đoạn, hai túi hồ sơ, xét giá điện nhà đầu tư đề xuất tương tự như phương pháp giá dịch vụ), thời gian thực hiện hợp đồng đấu giá dài như một hợp đồng PPP.

Hơn nữa, cả hai phương án này tương tự như đấu thầu các dự án PPP do nhà đầu tư lập, nhưng các dự án này chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt khi đấu giá. Do vậy, việc triển khai sẽ gặp một số vấn đề. Đó là không bảo đảm trách nhiệm của cấp có thẩm quyền đối với việc thẩm định và phê duyệt dự án do nhà đầu tư đề xuất, trách nhiệm đối với việc ký kết, quản lý, giám sát thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư. Sau khi trúng đấu giá, nhà đầu tư phải tự thực hiện các thủ tục đầu tư (quyết định chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, cơ chế ưu đãi…) và thủ tục đất đai (phê duyệt vị trí, địa điểm thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất…).  Trường hợp gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thành các thủ tục đầu tư và đất đai sẽ không thực hiện đúng tiến độ dự án và cung cấp điện như cam kết...     

Chuyên đề