Đơn hàng dồi dào, xuất khẩu hứa hẹn kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Còn hơn 1 tháng nữa kết thúc năm 2024, đến thời điểm này, tình hình đơn hàng của nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN sản xuất hàng xuất khẩu (XK) tiếp tục được cải thiện do cầu thị trường cuối năm phục hồi rõ rệt. Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 có thể xác lập kỷ lục mới 800 tỷ USD (vượt mốc 732 tỷ USD năm 2022), trong đó XK là điểm sáng.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 370 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Tính từ đầu năm đến ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 370 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Đơn hàng tiếp tục khả quan

Đại diện Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) cho biết, theo tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại cùng với dự báo khả quan về hoạt động XK dệt may dịp cuối năm, Dệt may Thành Công hy vọng sẽ đạt kế hoạch kinh doanh năm 2024. Hiện Công ty đã nhận khoảng trên 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024 và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý I/2025.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, Dệt may Thành Công đã XK hàng dệt may sang nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ… Bên cạnh các sản phẩm XK truyền thống, Công ty đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm XK, đặc biệt là những sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế và những sản phẩm có giá trị cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, đầu tư cho thiết kế theo yêu cầu của khách hàng và thiết kế nhãn hiệu riêng. Điều này đã góp phần mang lại kết quả kinh doanh tích cực cho Công ty với doanh thu lũy kết 10 tháng đầu năm tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận cũng tăng.

Thông tin tại cuộc họp báo về Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hội nghị tổng kết năm 2024, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, kim ngạch XK dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Theo ông Giang, đến thời điểm này, hầu hết DN trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý I/2025, đang đàm phán đơn hàng quý II/2025.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH KC Hà Tĩnh - DN chuyên chế biến, xuất khẩu nông sản - cho biết, đơn hàng XK của Công ty năm 2024 đã kín. “Theo tính toán sơ bộ, doanh thu Công ty năm 2024 sẽ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Hiện DN đã ký một số đơn hàng cho năm 2025”, ông Tùng thông tin.

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, bên cạnh mặt hàng chủ lực, Hòa Phát đã XK thành công tủ lạnh thế hệ mới vào thị trường Hoa Kỳ. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, mở ra cơ hội lớn để Hòa Phát khẳng định vị thế và khai thác tiềm năng của thị trường quốc tế trong tương lai.

Thống kê từ Bộ Công Thương vừa cập nhật cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 15/11, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam ước đạt khoảng 370 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với một số nền kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…

Nỗ lực nâng cao năng lực canh tranh

Dự báo về triển vọng thị trường, Bộ Công Thương nhận định, hoạt động XK hàng hóa sẽ có nhiều thuận lợi. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương; nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy XK, nhất là lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho những dịp lễ lớn)...

Tuy nhiên, hoạt động XK vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, năm 2025, tình hình thị trường thế giới tiếp tục khó đoán định. Đến thời điểm này, giá cước vận tải biển hạ nhiệt không đáng kể, nhiều yếu tố khác vẫn diễn biến phức tạp… Vì vậy, dù có đơn hàng, KC Hà Tĩnh cũng không dám ký nhiều do lo ngại rủi ro.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, khách hàng ngày càng có nhiều yêu cầu gắt gao hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm xã hội cũng như thời gian giao hàng… Do đó, các DN dệt may cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, tăng cường đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất… để tăng năng lực cạnh tranh.

Một số ý kiến cũng nhận định, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ được dự báo có thể làm gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam… Để tăng sức cạnh tranh cho hàng XK, DN phải chú trọng đầu tư, cạnh tranh bằng chất lượng hơn là cạnh tranh bằng giá; xây dựng chiến lược XK đa dạng thị trường; chuẩn bị kỹ các giải pháp bảo vệ sản xuất…

Hỗ trợ DN XK bền vững, tạo “điểm tựa” cho hàng Việt vươn xa, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, khai thác hiệu quả các FTA…

Chuyên đề