Doanh nghiệp dược kỳ vọng có sự bứt phá tăng trưởng vào quý cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau năm 2023 khởi sắc, đà tăng của ngành dược, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe chậm lại trong 10 tháng đầu năm 2024, đặc biệt là ở quý I và II/2024. Tỷ lệ doanh nghiệp chứng kiến kỳ kinh doanh đi lùi so với mức nền cao của năm trước ghi nhận sự gia tăng. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report vừa công bố, nhiều doanh nghiệp trong Ngành vẫn kỳ vọng có sự bứt phá tăng trưởng vào quý IV/2024 và trong năm 2025.
 Doanh nghiệp dược kỳ vọng có sự bứt phá tăng trưởng vào quý cuối năm

4 động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường chăm sóc sức khỏe

Bức tranh doanh thu không biến động quá mạnh so với cùng kỳ năm 2023 song tỷ lệ doanh nghiệp sụt giảm về lợi nhuận lại tăng lên đáng kể (từ 21,1% lên 37,5%). Biến động giá nguyên liệu đầu vào, sức mua sụt giảm do bị giới hạn bởi xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân, một số sản phẩm hỗ trợ chống dịch chậm luân chuyển và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến thị trường nói chung có phần kém thuận lợi hơn trong những tháng đầu năm nay.

Mặc dù vẫn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ chứng kiến bức tranh khả quan hơn của các doanh nghiệp trong Ngành. Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển sang pha phục hồi với sự cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số sẽ là nền tảng vững chắc hỗ trợ cho động lực tăng trưởng của Ngành. Ngoài ra, theo chia sẻ của giới lãnh đạo doanh nghiệp, quý IV thường là quý có hoạt động kinh doanh sôi động nhất trong năm, đặc biệt, đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhu cầu đối với các sản phẩm thường gia tăng do thời tiết giao mùa và một số dịch bệnh thường phát sinh vào giai đoạn này như dịch sốt xuất huyết, siêu vi, cảm cúm…

Sự lạc quan cũng được duy trì trong góc nhìn của doanh nghiệp về triển vọng năm 2025. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 66,6% số doanh nghiệp đặt niềm tin vào sự phát triển của thị trường, chỉ 13,4% dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn, trong khi 20,0% giữ quan điểm rằng thị trường sẽ duy trì trạng thái ổn định, không có nhiều biến động so với năm 2024.

Kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện (ETC) vốn chiếm ưu thế trong doanh thu của Ngành, được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và chứng kiến sự tăng trưởng nhờ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và các quy định về đấu thầu thuốc trong bệnh viện được thông thoáng hơn, cùng với đó là sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm dược phẩm chuyên biệt, đặc biệt là những loại thuốc hiếm, thuốc sinh học và thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, kênh phân phối qua nhà thuốc (OTC) dù tăng trưởng doanh thu không quá ấn tượng trong 10 tháng qua, cũng được đa số doanh nghiệp kỳ vọng có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong năm 2025.

Về dài hạn, thị trường dược phẩm và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao và dư địa phát triển lớn. Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự kiến đạt 6 - 8% trong giai đoạn 2023 -2028 (theo IQVIA). Bên cạnh đó, theo dự báo của Statista, doanh thu thị trường thiết bị y tế Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định qua các năm, từ mức 922 triệu USD năm 2016 lên 1,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2029.

Nhìn chung, ngành dược, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được đánh giá có sức bật mạnh mẽ, bất chấp các yếu tố rủi ro tiềm tàng trên thị trường.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có 4 động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.

Một là những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những điều chỉnh, bổ sung trong Luật Dược sẽ tạo ra môi trường pháp lý rõ ràng, hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành và định hướng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp.

Hai là nhu cầu dược phẩm và chăm sóc sức khỏe gia tăng khi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tăng từ 11,9% (năm 2019) lên 13,9% (năm 2023) và tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, alzheimer, ung thư phổi và tiểu đường… ngày càng phổ biến.

Ba là người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ý thức về sức khỏe và chủ động phòng ngừa bệnh tật trong khi thu nhập khả dụng tăng, kéo theo sự cải thiện mức chi tiêu cho dược phẩm và các thiết bị chăm sóc sức khỏe. Theo Fitch Solutions, chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm dự báo sẽ tăng từ 1,46 triệu đồng (2021) lên 2,12 triệu đồng (2026), với CAGR 7,8%, tương đương 5% thu nhập bình quân hàng năm.

Và bốn là toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tạo cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường độ phủ thương hiệu, thúc đẩy hợp tác, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần nhất là một hành lang pháp lý rõ ràng và ổn định

Tuy vậy, những doanh nghiệp trong Ngành vẫn đối mặt với không ít thách thức trên hành trình vươn tầm. Hiện tại, cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ thuật và công nghệ vẫn còn hạn chế, trong khi thiếu các khu công nghiệp dược - sinh học tập trung. Các doanh nghiệp dược phẩm trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, doanh thu và vốn đầu tư còn khiêm tốn, chưa xuất hiện các tập đoàn lớn mang tầm vóc quốc gia. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển từ thuốc hóa dược sang các loại thuốc sinh học hoặc sinh học tương tự đòi hỏi những bước cải tiến lớn về công nghệ và năng lực tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số trong ngành còn chậm, đặt ra áp lực cần có các giải pháp chính sách đồng bộ và sự quyết tâm từ các doanh nghiệp.

“Để thực sự tạo bước đột phá, ngành dược, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe cần những nỗ lực tổng thể, không chỉ nhằm củng cố vị thế trong nước mà còn để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh quốc tế, định vị Việt Nam trên bản đồ chăm sóc sức khỏe thế giới”, các chuyên gia của Vietnam Report nhận định.

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe. Một số chính sách quan trọng liên quan đang được chỉnh sửa, thay đổi, đặc biệt, việc rà soát và sửa đổi nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, định hình cấu trúc thị trường và sự phát triển bền vững của Ngành trong những thập kỷ tới.

Từ đầu năm ngoái, nhiều văn bản pháp lý mới giúp khơi thông những khó khăn của ngành dược, thiết bị y tế và chăm sóc sức khỏe đã được ban hành như Nghị quyết 80/2023/QH15, Nghị định 07/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 30/NQ-CP, Thông tư 06/2023/TT-BYT. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội thông qua mang lại sự tin tưởng sẽ tiếp tục giải quyết những điểm nghẽn, bất cập còn tồn tại, cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và hiện đại hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ghi nhận từ khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp đánh giá rằng, tuy có những khó khăn nhất định trong ngắn hạn đối với việc thích ứng các quy định, nhưng môi trường kinh doanh mới với hành lang pháp lý rõ ràng là cơ hội để doanh nghiệp định hướng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, chứng minh năng lực và khẳng định vị thế, xây dựng niềm tin của khách hàng. Không những thế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cũng hướng đến việc khuyến khích sản xuất thuốc trong nước, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các quy định về đăng ký, cấp phép, kiểm nghiệm được làm rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Do đó, 76% doanh nghiệp cho rằng, cần ưu tiên hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động sản xuất và lưu thông dược phẩm, thiết bị y tế, thể hiện mong muốn một hành lang pháp lý rõ ràng và ổn định để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị ưu tiên việc phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dược phẩm và thiết bị y tế, đặc biệt là sự chú trọng vào ứng dụng công nghệ như Big Data trong việc lưu trữ và phân tích dữ liệu ngành, tăng 15,5% so với kết quả khảo sát năm 2023... Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng, Chính phủ sẽ có thêm các hỗ trợ quy hoạch doanh nghiệp dược vào cụm công nghiệp phát triển công nghệ cao có cơ sở hạ tầng phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và phân phối dược phẩm, cũng như tạo điều kiện, kết nối để các doanh nghiệp dược Việt Nam xúc tiến và tiếp cận các thị trường mới.

Chuyên đề