Covid-19 và nỗi lo thâm hụt ngân sách nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cán cân ngân sách nhà nước (NSNN) chuyển hướng rõ nét từ thặng dư sang thâm hụt khi nền kinh tế “ngấm” dịch Covid-19 và các gói hỗ trợ tài khóa được triển khai. Chấp nhận tăng thâm hụt NSNN là điều không thể tránh khỏi trong giai đoạn hiện nay, song cần tăng cường các giải pháp chống thất thu và kiểm soát chi chặt chẽ.
Covid-19 và nỗi lo thâm hụt ngân sách nhà nước

Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối NSNN thực hiện 8 tháng đạt 881,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 733,98 nghìn tỷ đồng, bằng 58,1% dự toán, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2019; thu từ dầu thô ước đạt 25,48 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2019; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 121,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ Tài chính đánh giá, trong 8 tháng đầu năm 2020, kinh tế chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, việc thực hiện các gói giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách trong 8 tháng đầu năm, đặc biệt là từ tháng 4 đến nay.

Về chi NSNN, lũy kế chi NSNN 8 tháng đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 55,8% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả, thâm hụt NSNN 8 tháng ở mức 93,7 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 75,7 nghìn tỷ đồng của 7 tháng đầu năm 2020.

Tại Báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô tháng 8 vừa công bố, Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV cho rằng, thu NSNN tiếp tục giảm, chi NSNN tăng, khiến thâm hụt NSNN dự báo tăng nhanh, nhưng chấp nhận được trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép.

Theo đó, bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh và việc triển khai được khoảng 30% gói hỗ trợ tài khóa đã khiến thu NSNN 8 tháng tiếp tục giảm, trong khi việc đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ và đầu tư công khiến chi NSNN tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.

Với sự gia tăng các khoản chi NSNN để ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV dự báo thâm hụt NSNN/GDP năm 2020 sẽ ở mức 5,2 - 5,4%, cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm (dưới 4%), song vẫn thấp hơn mức trung bình các nước mới nổi (khoảng 10,6%).

Còn theo nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dựa trên diễn biến gần đây của NSNN và dự báo tăng trưởng GDP thấp hơn, dự báo thâm hụt NSNN năm 2020 có thể vào khoảng 5,5 - 6,0% GDP.

Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 8/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét, kể từ tháng 4 năm nay, số thu NSNN đã và đang giảm đáng kể do tăng trưởng kinh tế giảm kết hợp với biện pháp giãn nộp thuế cho cá nhân và doanh nghiệp để đối phó với cuộc khủng hoảng. Cân đối NSNN càng gặp khó khăn khi chi tiêu phải tăng lên nhằm ứng phó dịch bệnh, thực hiện mục tiêu tăng đầu tư công để kích thích khôi phục kinh tế.

WB cho rằng, các cân đối NSNN của Chính phủ cần được theo dõi thận trọng. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến diễn biến phát triển của dịch bệnh, tác động tài khóa và chính sách xử lý trong trung và dài hạn.

Nhận xét về xu hướng tăng thâm hụt NSNN, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng: “Chúng ta đành phải chấp nhận tăng thâm hụt NSNN để hỗ trợ nền kinh tế gắng gượng và hồi phục. Mức thâm hụt NSNN và nợ công hiện vẫn trong tầm kiểm soát”.

Đồng tình với các quan điểm trên, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, chủ trương chấp nhận tăng tỷ lệ thâm hụt NSNN và tỷ lệ nợ công để hỗ trợ nền kinh tế là phù hợp trong giai đoạn hiện nay, song cũng cần cân nhắc và kiểm soát chặt chẽ các tỷ lệ đó. Việc giữ mức thu NSNN như mọi năm hoặc tăng thu là không khả thi, nên tốt nhất là tăng cường các biện pháp chống thất thu NSNN, đặc biệt ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách hỗ trợ từ NSNN. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chi NSNN thật chặt chẽ, chi đầu tư phải được giám sát về hiệu quả thực hiện song song với việc tiếp tục rà soát các khoản chi có thể cắt giảm, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư