Nhiều doanh nghiệp mía đường đã bắt đầu tái cơ cấu, hoặc mở rộng quy mô để có thể cạnh tranh được với đường ngoại. Ảnh: Minh Nguyệt |
Vận đen chưa dứt
Đóng cửa ngày 5/2 ở mức giá 49.700 đồng/CP, cổ phiếu Công ty CP Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) đã giảm tới 10% kể từ đầu năm 2018. Còn so với mức giá đầu tháng 8/2017, giá cổ phiếu QNS đã giảm tới 37%. Mặc dù nổi tiếng với 2 thương hiệu sữa đậu nành là Fami và VinaSoy, song hoạt động kinh doanh của mảng mía đường không mấy tích cực là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đi xuống của cổ phiếu này.
Lý giải cho nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý IV/2017 giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2016, Công ty cho biết, biến động của thị trường đã làm cho giá bán sản phẩm đường RS của Công ty trong quý IV/2017 tiếp tục sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, doanh thu từ sản phẩm đường của Đường Quảng Ngãi đạt 1.867 tỷ đồng (chiếm 24,4% tổng doanh thu), tăng 27% so với năm 2016. Tuy nhiên, giá vốn của sản phẩm đường lại tăng tới 58%, làm cho lợi nhuận gộp mảng đường mang lại chưa đến 50 tỷ đồng, giảm sâu so với gần 315 tỷ đồng của năm 2016.
Tương tự, giá cổ phiếu của Công ty CP Đường Kom Tum (mã chứng khoán KST) giảm tới 16%, từ mức giá 28.700 đồng/CP ngày 2/1/2018 xuống còn 24.100 đồng/CP ngày 5/2/2018. Cổ phiếu của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán: SBT) và cổ phiếu của Công ty CP Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán: LSS) cũng giảm 5% so với thời điểm đầu năm 2018.
Trước đó, trong nửa cuối năm 2017, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành mía đường cũng lao dốc mạnh bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Biên lợi nhuận gộp giảm
Báo cáo tài chính 6 tháng niên độ tài chính 2017 - 2018 của Mía đường Lam Sơn cũng cho biết, doanh thu thuần đạt 475,5 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại giảm tới 55,3% so với cùng kỳ 2017, đạt 72,6 tỷ đồng làm cho biên lợi nhuận gộp chỉ còn 15,2% (cùng kỳ năm 2017 là 19%).
Còn đối với Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), doanh thu và lợi nhuận 6 tháng niên độ tài chính 2017 - 2018 vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhờ sáp nhập với Công ty CP Đường Biên Hòa (BHS). Cụ thể, doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng gần 230% lên 3.902 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 264 tỷ đồng, tăng 51,8%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp lại giảm từ 13,8% xuống còn 11,3%.
Báo cáo tài chính mới nhất của Đường Kom Tum cho biết, biên lợi nhuận gộp 6 tháng niên độ tài chính 2017 - 2018 của mảng đường đạt 3,5% (cùng kỳ năm trước là 16,7%).
Thay đổi để “tự lớn”
Chính phủ đã có quyết định vẫn giữ mức thuế nhập khẩu 5% cho mặt hàng đường ổn định trong suốt giai đoạn 2018 - 2022. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đây là một tín hiệu tốt cho ngành sản xuất mía đường trong nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngành đường đã được bảo hộ quá lâu, nên đã đến lúc phải để doanh nghiệp “tự lớn”. Thực tế, đối diện với việc có thể thua ngay trên sân nhà, nhiều doanh nghiệp mía đường đã bắt đầu tái cơ cấu, hoặc mở rộng quy mô để có thể cạnh tranh được với đường ngoại.
Cụ thể, Công ty Mía đường Sơn La đã quyết định vay 177 tỷ đồng để đầu tư nâng công suất dây chuyền chế biến đường công suất 5.000 tấn mía/năm. Công ty CP Mía Đường Cần Thơ (CASUCO) đã đầu tư cơ giới hóa từ năm 2007, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, các công ty sản xuất máy móc nông nghiệp, hoàn thiện và đa dạng hơn hệ thống máy cơ giới hóa hiện có…
Đặc biệt, Tập đoàn Thành Thành Công đã tiến hành sáp nhập hai đầu mối sản xuất mía đường là SBT và BHS. Sau khi sáp nhập, SBT sẽ trở thành công ty nắm trong tay 30% thị phần ngành đường trong nước, với vùng nguyên liệu lên đến 40.000 ha, chiếm 16% diện tích mía nguyên liệu cả nước...