Cổ phần hóa và thoái vốn: Không để người đứng đầu có lý do trì hoãn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) khó có thể chuyển biến tích cực nếu chưa gỡ được “nút thắt” về định giá DN và thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Trong 9 tháng năm 2021, đã thoái vốn nhà nước tại 13 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 287 tỷ đồng, thu về 2.166,4 tỷ đồng. Ảnh: EVNGenco2
Trong 9 tháng năm 2021, đã thoái vốn nhà nước tại 13 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 287 tỷ đồng, thu về 2.166,4 tỷ đồng. Ảnh: EVNGenco2

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng đầu năm, đã thoái vốn nhà nước tại 13 DN với giá trị sổ sách là 287 tỷ đồng, thu về 2.166,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 3 DN thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến nay, đã có 183 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong số đó, chỉ có 39 DN thuộc danh mục 128 DN cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa theo danh mục Thủ tướng phê duyệt là 89 DN.

Theo Bộ Tài chính, việc triển khai công tác cổ phần hóa DN trong năm 2021 là không khả thi do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý. Đồng thời, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị DN, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

Để đẩy nhanh tiến độ, trong năm 2022 và những năm sau, Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho rằng, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc của DN thuộc danh mục để thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2022 - 2024 đảm bảo khả thi. Đó là các vướng mắc trong xây dựng lộ trình, xác định thời điểm cổ phần hóa, xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà đất, xử lý các tồn tại về đất đai, tài sản, tài chính.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), nguyên nhân chính khiến việc bán vốn nhà nước tại DN chậm là do vướng mắc trong xác định giá tài sản. “Nếu định giá cao quá thì không ai mua, nếu định giá thấp thì có thể gây thiệt hại cho Nhà nước và có rủi ro bị xử lý trách nhiệm”, ông Minh nói.

Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến nay, đã có 183 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong số đó, chỉ có 39 DN thuộc danh mục 128 DN cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa theo danh mục Thủ tướng phê duyệt là 89 DN.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, khung chính sách cho cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN đã được hoàn thiện, song việc thực hiện không tránh khỏi nhiều tình huống khó xử lý, đặc biệt trong việc định giá tài sản DN, nhất là đất đai và giá trị thương hiệu. “Dù đã có quy định nhưng một mảnh đất ở đầu phố và cuối phố có giá trị rất khác nhau, quy định không thể chi tiết đến từng tình huống cụ thể, còn người thực hiện nhiều khi không dám quyết”, ông Thịnh bình luận.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, điều mấu chốt vẫn là lãnh đạo DN và các cơ quan chủ quản chưa quyết liệt cổ phần hóa. Bởi vì, với các DN vẫn thuộc sở hữu nhà nước, lãnh đạo DN vừa được lương, thưởng, vừa không chịu sức ép quá lớn. Trong khi đó, với DN đã cổ phần hóa, lãnh đạo cũ vẫn ở lại thì chịu sức ép phải đẩy DN hoạt động theo thị trường với các tiêu chuẩn quản trị cao hơn, nếu không ở lại thì phải thôi chức, tức là mất đi thu nhập và quyền lợi.

Ở khía cạnh khác, theo ông Thịnh, thị trường chứng khoán èo uột những năm trước là lý do để các DN chậm chạp bán vốn nhà nước. Hai năm nay, thị trường chứng khoán sôi động, xét về lý thì đây là cơ hội tốt để thoái vốn nhà nước tại DN, nhưng DN lại cho rằng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên không thể bán vốn.

“Đã có quy định về việc xử lý người đứng đầu DN làm chậm quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhưng việc thực hiện vẫn theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” nên hầu như chưa thấy lãnh đạo DN nào chịu trách nhiệm. Vì thế, cứ trì hoãn được thì họ trì hoãn”, ông Thịnh nhìn nhận.

Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước trong thời gian tới, vị chuyên gia này cho rằng, trước hết, cơ quan chức năng cần làm việc với từng DN cụ thể, chỉ điểm rõ khó khăn và gỡ khó, từ đó xây dựng lộ trình rõ ràng về thời hạn hoàn thành từng bước công việc và chế tài xử phạt nếu không hoàn thành. Đồng thời, căn cứ trên nội dung làm việc với từng DN để xây dựng kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn một cách chi tiết và chắc chắn về tiến độ.

Từ góc độ bán tài sản nhà nước, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng, cần làm rõ cách thức bán vốn nhà nước tại DN theo giá thị trường ở thời điểm xác định giá, sau khi chấp nhận mức giá đó thì thực hiện chứ không hồi tố xem xét lại giá bán và quy trách nhiệm. Làm được như vậy thì những người đứng đầu sẽ không có lý do để trì hoãn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư