Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiệu quả cần dựa trên mục tiêu là thay đổi cấu trúc sở hữu |
Trong đó có nhiều tổng công ty nhà nước như: Máy và Thiết bị công nghiệp, Máy động lực và Máy nông nghiệp, Tư vấn Xây dựng Việt Nam, Lâm nghiệp Việt Nam… Ngoài ra, đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 63 doanh nghiệp, đang xác định giá trị của 77 doanh nghiệp, đã công bố giá trị của 28 doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, trong cả nước có Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Hà Nội thực hiện bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp, thu về 2.710,4 tỷ đồng, gấp 3,1 lần giá trị sổ sách là 871,6 tỷ đồng.
Đánh giá về số lượng DNNN CPH trong 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, số DNNN được CPH đúng nghĩa còn hạn chế, chủ yếu vẫn là DNNN có quy mô không lớn. Đặc biệt, về chất lượng CPH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, vẫn chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam đã sắp xếp CPH được khoảng 97% doanh nghiệp theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Sau CPH, doanh thu của các doanh nghiệp có tăng, hoạt động minh bạch hơn. Song, trong quá trình CPH DNNN, có doanh nghiệp mới chỉ bán được khoảng vài ba phần trăm cổ phần, như thế chưa thể nói là đã thực sự được CPH.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hoạt động CPH DNNN phải thay đổi, phải lấy mục tiêu là thay đổi cấu trúc sở hữu, thay vì số lượng doanh nghiệp được tham gia CPH mà cấu trúc sở hữu vẫn nghiêng về phía Nhà nước, để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó nội dung đẩy mạnh CPH DNNN là một trong những công việc trọng tâm nhằm đưa kinh tế phát triển bền vững.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016 diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2016, trong đó nhấn mạnh giải pháp tháo gỡ khó khăn, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đề xuất, các DNNN cần nỗ lực tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để đẩy mạnh tiếp cận các cơ hội từ các thị trường mới khi đất nước ngày càng hội nhập mạnh mẽ.
Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng và ban hành đúng tiến độ các cơ chế chính sách về sắp xếp, đổi mới phát triển DNNN. Ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới để làm cơ sở cho việc xây dựng và phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020.