Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt trong việc mở rộng hoạt động hợp tác thương mại của Việt Nam với các khu vực kinh tế lớn trên thế giới. Chính sách mở cửa đang ngày càng tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế với những kỳ vọng Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với TPP, ngoài các ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hưởng lợi từ cắt giảm thuế quan như dệt may, da giày, thủy sản…các chuyên gia đều nhận định việc tham gia Hiệp định này sẽ tạo ra một cơ hội bứt phá cho lĩnh vực logistics.
Hôm qua, lễ ký kết Hiệp định TPP đã diễn ra tại Auckland, New Zealand. Mặc dù năm 2018, TPP mới có hiệu lực nhưng làn sóng đầu tư vào Việt Nam đón đầu TPP đang có sự tăng trưởng mạnh. Điểm đến của dòng vốn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 955 dự án đầu tư đăng ký mới và 517 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Khi dòng vốn FDI rót vào ngành sản xuất Việt Nam được đẩy mạnh thì điều hiển nhiên là các doanh nghiệp logistics ngày càng có nhiều việc để làm hơn.
Đồng thời, khi TPP chính thức được ký kết với nhiều dòng thuế về 0%, hứa hẹn sự phát triển sôi động của hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2015 đạt 327,76 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014. Báo cáo mới đây của World Bank đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng từ nay cho đến năm 2020 là 12%/năm và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 623 tỷ USD vào năm 2020.
Đây được xem là điều kiện tiền đề cho việc mở rộng nhu cầu vận chuyển, cung ứng, kho bãi… khiến các dịch vụ logistics phát triển mạnh.
Sức hấp dẫn của cổ phiếu logistics
Hiện có khoảng 39 công ty thuộc ngành logistics đang niêm yết cổ phiếu trên 2 sàn giao dịch HNX và HOSE chủ yếu bao gồm: khai thác cảng, vận tải dầu khí, vận tải thủy hàng rời và container, vận tải đường bộ và dịch vụ logistics.
Trong năm 2015, với những kỳ vọng từ hiệp định TPP được thông qua, nhóm cổ phiếu ngành logistic đã có những là thời điểm bứt tốc rất mạnh và được giao dịch khá tích cực với nhiều mã tăng mạnh như CLL, DVP, GMD, HAH và VSC… Mặc dù thị trường có những thời điểm điều chỉnh nhưng nhìn chung nhóm này vẫn luôn có mức độ ổn định giá cổ phiếu cao nhất thị trường cho thấy nhà đầu tư thật sự đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng ổn định trong dài hạn của nhóm cổ phiếu này.
Bước sang năm 2016, nhiều chuyên gia chứng khoán đều dự đoán nhóm ngành logistics sẽ trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn trong thời gian tới. Trong báo cáo “Triển vọng đầu tư 2016”, Chứng khoán BSC đánh giá cổ phiếu ngành cảng biển có tính phòng vệ cao với kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, tỷ lệ trả cổ tức hàng năm cao. So sánh với các DN khai thác cảng trong khu vực, cổ phiếu ngành cảng biển của Việt Nam (ngoại trừ PHP) có P/E và P/B khá hấp dẫn. Và với tiềm năng phát triển trong năm 2016, giá cổ phiếu bình quân ngành cảng biển có thể tăng lên tương đương với mức bình quân chung của khu vực.
BSC đưa ra đánh giá khả quan với ngành cảng biển và khuyến nghị, một số cổ phiếu có khả năng tăng trưởng cao nhờ sở hữu cảng ở vị trí đắc địa, có kế hoạch mở rộng công suất trong năm tới.
Thời cơ bứt phá
Nói về cơ hội của nhóm ngành logistics và làn sóng đầu tư đón đầu TPP, các chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo rằng môi trường cạnh tranh buộc các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hơn để tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực.
Ở thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp logistics cũng đang ngày một nâng cấp và đổi mới nhằm bắt kịp xu thế tăng trưởng trên thế giới. Chẳng hạn trong quý II/2015, Gemadept hợp tác cùng vua tôm Minh Phú xây dựng trung tâm logistics tại Hậu Giang với kho lạnh sức chứa 50.000 pallets và diện tích kho thường 15.000m², vốn đầu tư khoảng 670 tỷ đồng.
Âm thầm đầu tư trong vài năm qua, Công ty Cổ phần Otran Logistics (OTG) là doanh nghiệp đang nổi lên trong ngành logistics hiện nay. Tận dụng kinh nghiệm kinh doanh hàng nông sản của Otran Group và mạng lưới khách hàng sẵn có, OTG từ khi thành lập đã mạnh dạn đầu tư vào hệ thống kho hàng xá có vị trí sát cảng biển, hợp tác với các cảng quốc tế và cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, trọn gói cho khách hàng.
Năm 2015, để nâng cao năng lực cạnh tranh, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ thông tin, tăng năng suất lao động, tăng tốc độ xếp dỡ hàng và cắt giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành dịch vụ cho khách hàng.
Hiện tại, OTG đang khai thác một hệ thống kho với diện tích gần 85.000m2 với tổng sức chứa khoảng 350.000 tấn hàng rời (bulk cargo) , chủ yếu ở các địa bàn tập trung nhiều KCN như Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đồng Nai, Phú Thái (Hải Dương) và Cái Lân (Quảng Ninh). Trong đó, hệ thống kho ở Phú Mỹ -diện tích khoảng 37.500m2 được các chuyên viên trong ngành đánh giá cao nhờ vị trí nằm liền kề với hai cảng nước sâu là Cảng Tổng Hợp Thị Vải và Cảng SP-PSA.
Nắm lợi thế sở hữu hệ thống kho bãi lớn nằm sát cảng biển lớn tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam cùng khả năng cung cấp các dịch vụ logistics tích hợp có giá trị gia tăng cao, OTG định hướng tập trung vào làm dịch vụ logistics hàng xá sản lượng lớn, nhờ đó, giúp tiết kiệm thời gian làm hàng và giảm chi phí logistics cho khách hàng.
Đây chính là sự khác biệt của OTG so với các doanh nghiệp logistics lớn khác trong ngành, giúp công ty này là lựa chọn hàng đầu của khách hàng lớn.
Đến nay, OTG đã xây dựng được mạng lưới đối tác trên 20 quốc gia, phục vụ trên 100 khách hàng, ngoài khách hàng truyền thống là Otran Group, OTG đang cung cấp dịch vụ khai quan, tháo dở , bốc xếp, lưu kho và vận chuyển door to door chuyên về hàng rời cho 2 nhóm đối tượng khách hàng chính. Nhóm khách hàng nông sản là những cái tên quen thuộc như: Peter Cremer, Hoà Phát Group , Hùng Vương Group (HVG), Proconco, Vinafeed, Greenfeed…Nhóm khách hàng ngoài nông sản cũng gồm những thương hiệu lớn như Yara Việt Nam, Công ty Than Đông Bắc, Công ty than Tân Phù Đổng, Fico, Tập đoàn công nghiệp Than- Khoán sản Việt Nam (Vinacomin)…
Báo cáo tài chính của OTG cũng cho thấy hiệu quả hoạt động của công ty này đang có sự tăng trưởng bứt phá với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh, trong đó nguồn thu đến từ đến từ hoạt động Logistics đang tăng trưởng tốt và chiếm khoảng 60% cơ cấu doanh thu. Hoạt động kinh doanh bắt đầu tăng trưởng ổn định từ cuối năm 2014 và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm 2015 cho thấy doanh nghiệp này đang dần khai thác một cách hiệu quả các lợi thế của mình.
Giai đoạn tới đây, để nắm bắt các cơ hội mà TPP sẽ mang lại cho ngành logistics và tiếp tục nâng cao năng lực cạnh, OTG đưa ra định hướng mở rộng qui mô hoạt động và phát triễn cơ sở hạ tầng. Theo đó, OTG dự kiến sẽ mua cổ phần cảng và nâng tỷ lệ sở hữu các công ty liên kết, xây dựng thêm nhà kho tại Phú Mỹ, đầu tư hệ thống cẩu bờ cho thuê và cuối cùng là đầu tư thêm các sà lan nhằm phát triển dịch vụ vận chuyển đường thuỷ nội địa. Sự đầu tư đón đầu con sóng hộ nhập và những tiềm năng có sẵn chắc chắn sẽ giúp OTG có những bước nhảy vọt hơn nữa về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.