Phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối doanh nghiệp với chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên |
Đó là khuyến nghị được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập” do trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức.
Chất lượng tăng trưởng và đầu tư còn thấp
Theo đánh giá chung, năm 2015, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,68% là một điểm sáng trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,1%, các nền kinh tế mới nổi đạt khoảng 4% và trung bình khu vực Đông Nam Á khoảng 4,5 - 5%. Theo nhận định của PGS. TS. Tô Trung Thành thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam trong năm qua chủ yếu đến từ khu vực sản xuất công nghiệp và tiêu dùng cuối cùng. Tăng trưởng, tỷ trọng đầu tư/GDP đều đã được xác lập lại quy mô. Tuy nhiên, theo ông Tô Trung Thành, một loạt câu hỏi cần đặt ra về chất lượng tăng trưởng, đó là tăng trưởng cao nhưng có thực sự bền vững? Mức tăng trưởng này có giúp đưa Việt Nam ra khỏi thời kỳ suy giảm và rút ngắn khoảng cách với các nước khác? Đặc biệt, Việt Nam đã thực sự vượt qua vùng trũng tăng trưởng hay chưa? Những bất ổn vĩ mô giai đoạn 2007 - 2008 liệu có lặp lại?...
Ông Tô Trung Thành phân tích, mặc dù chỉ số ICOR giảm dần thể hiện sự cải thiện về đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua, nhưng chất lượng tăng trưởng và đầu tư vẫn còn thấp so với khu vực. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, đầu vào của nguồn lực lao động còn hạn chế và giá trị gia tăng lao động so với các quốc gia khác thấp, cải tiến về công nghệ còn nhiều hạn chế... Vì vậy, ông Tô Trung Thành cho rằng, động lực vượt qua vùng trũng tăng trưởng chưa đủ vì cải cách thể chế kinh tế chưa mạnh mẽ, chưa đạt được tăng trưởng bền vững. “Mô hình tăng trưởng và cấu trúc của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Nếu muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần phải thay đổi tư duy, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, khu vực nhà nước chủ yếu cung cấp dịch vụ công”, ông Thành khuyến nghị.
Cải cách để nắm bắt cơ hội từ các FTA
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng năm 2016, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng thương mại và đầu tư sẽ có nhiều điểm tích cực. Dòng kiều hối tăng trưởng tốt trong năm 2016 cũng sẽ là điểm cộng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Lực, các vấn đề của lãi suất và tỷ giá, thị trường chứng khoán và giá dầu sẽ vẫn là 4 điểm nóng của kinh tế thế giới mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm để có giải pháp điều hành ứng phó linh hoạt, hợp lý, tránh tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo nhận định của một số chuyên gia, năm 2016 cũng hứa hẹn nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia, góp phần gia tăng tỷ trọng và kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư và tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Việc triển khai thực thi các FTA này sẽ đẩy mạnh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Khi Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế sẽ phải thực hiện các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ; giảm thiểu và hài hoà các rào cản thương mại; thực hiện chế độ bảo hộ đầu tư; tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; minh bạch hoá chính sách. Theo đó, nguồn thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sẽ bị giảm; sức ép cạnh tranh đối với hàng hoá, dịch vụ trong nước; sức ép cải cách thể chế; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ chưa cao. Do vậy, cần cải cách, tái cơ cấu, đặc biệt là những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, chi tiêu công, doanh nghiệp nhà nước; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước; cải cách hành chính. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành có lợi thế, định hướng điều chỉnh sản xuất cho các ngành không có khả năng cạnh tranh. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.