Chưa hết mối lo về sở hữu chéo ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước cho biết, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng đã dần được xử lý nhưng khó giải quyết triệt để dù đã áp dụng nhiều biện pháp. Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống tự động phát hiện và cảnh báo sớm các giao dịch đáng ngờ, đồng thời có chế tài mạnh với các giao dịch vi phạm.
Theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Ảnh: Lê Tiên
Theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Ảnh: Lê Tiên

Sai phạm tinh vi, thông tin hạn chế

Tại báo cáo gửi Quốc hội về việc giám sát chuyên đề, chất vấn với lĩnh vực ngân hàng mới đây, Chính phủ cho biết, những năm qua, tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trực tiếp giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) với nhau và giữa TCTD với doanh nghiệp dần được xử lý.

Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề này gặp khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối với các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành, trong khi đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các TCTD nên NHNN không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát việc sở hữu giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác.

Mặt khác, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu, đặc biệt là các doanh nghiệp không phải công ty đại chúng rất khó khăn. NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của TCTD và thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của TCTD, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn… Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo TCTD xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Ngoài ra, NHNN đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối TCTD; cấp tín dụng với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của TCTD…) .

Về khuôn khổ pháp lý, NHNN cho biết đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý hiệu quả tình trạng lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD.

Cụ thể, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10% trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan dự kiến không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (hiện tại là 25%).

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực khác để có thể liên thông về cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống tự động phát hiện sai phạm và cảnh báo sớm. Ảnh: Thanh Huyền

Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực khác để có thể liên thông về cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống tự động phát hiện sai phạm và cảnh báo sớm. Ảnh: Thanh Huyền

Nâng cao ứng dụng công nghệ và năng lực quản trị

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, mối quan hệ sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng được thực hiện rất tinh vi và khó tìm ra bằng chứng để kết luận sai phạm, đặc biệt là việc thuê hoặc nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần. Bằng cách làm như vậy, nhiều cổ đông ngân hàng có thể sử dụng vốn tín dụng của ngân hàng đó để cho vay một cách dễ dãi với các dự án/doanh nghiệp chưa đủ điều kiện vay hoặc tập trung lượng vốn quá lớn vào một vài khách hàng dẫn đến nhiều rủi ro.

Theo ông Huân, với cách thức tinh vi như trên, việc xử lý sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng rất khó khăn. Do đó, bên cạnh việc sửa đổi quy định pháp lý, giải pháp cần thực hiện là tăng cường thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử lý thật nặng các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, điểm đáng ngại là nguồn nhân lực thực hiện thanh, kiểm tra của ngành ngân hàng quá “mỏng” trong khi khối lượng công việc rất lớn. Do đó, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực khác để có thể liên thông về cơ sở dữ liệu, từ đó xây dựng hệ thống tự động phát hiện sai phạm và cảnh báo sớm.

Việc này đòi hỏi phải chuẩn hóa dữ liệu của ngành ngân hàng, trong khi hiện nay, các ngân hàng sử dụng các giải pháp công nghệ ngân hàng (core banking) khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng 2, 3 sổ sách kế toán nên khó có thể kiểm soát dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế. Dù vậy, giải pháp công nghệ vẫn là cách thức hiệu quả để đồng bộ dữ liệu, tăng cường minh bạch và quản trị rủi ro của ngành ngân hàng, nên cần nỗ lực thực hiện.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và tỷ lệ vốn cho vay như quy định tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là phù hợp, song không hạn chế được đáng kể bởi các cá nhân/tổ chức dễ dàng “lách” được các quy định như vậy.

Theo ông Hiếu, cần học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc kiểm soát sở hữu chéo. Chẳng hạn, tại Mỹ, các cá nhân/tổ chức không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng hoặc tại doanh nghiệp, song hạn mức và quy trình cho vay vốn tín dụng chịu sự kiểm soát chặt chẽ, bị xử lý nghiêm và công bố rộng rãi nếu xảy ra sai phạm.

“Tại Việt Nam, việc tăng cường kiểm soát các giao dịch đáng ngờ là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiến trình nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính. Theo đó, khi vốn chủ sở hữu của ngân hàng có quy mô lớn thì việc sở hữu một tỷ lệ cổ phần có khả năng chi phối là không dễ dàng”, ông Hiếu nói. Một giải pháp khác là tiếp tục thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng, để góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, từ đó hạn chế sự thao túng cổ phần hay cấp tín dụng cho các dự án rủi ro.

Chuyên đề