Chú trọng đánh giá chất lượng đầu tư công

(BĐT) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Luật Đầu tư công quy định quy trình thẩm định dự án đã hướng tới tiệm cận các thông lệ quốc tế. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết nhằm bảo đảm lựa chọn được các dự án có chất lượng cao để đưa vào quy trình ngân sách, đồng thời tăng cường theo dõi, đánh giá sau đầu tư.
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công thông qua điều chỉnh trình tự thủ tục lập, thẩm định, quyết định và giao kế hoạch vốn ngân sách sẽ theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm. Ảnh: Lê Tiên
Việc sửa đổi Luật Đầu tư công thông qua điều chỉnh trình tự thủ tục lập, thẩm định, quyết định và giao kế hoạch vốn ngân sách sẽ theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm. Ảnh: Lê Tiên

Đánh giá độc lập về chất lượng dự án

Theo WB, Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng đòi hỏi phải sắp xếp ưu tiên và cân nhắc “tác động kinh tế - xã hội” nhưng không làm rõ thêm và hướng dẫn về cách thức đánh giá “hiệu quả sử dụng vốn” đầu tư và cách thức so sánh giữa các dự án.

Ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối danh mục dự án thuộc WB cho rằng, theo Luật Đầu tư công, việc rà soát độc lập dự án được thực hiện bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính chỉ xem xét vấn đề có khả năng cân đối vốn hay không mà thôi. Trong khi đó, WB nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đánh giá khách quan về sự cần thiết, mức độ phù hợp chiến lược và khả năng bền vững của dự án, ít nhất là đối với dự án lớn.

WB khuyến nghị cần rà soát và điều chỉnh các điều khoản liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư nhằm quy định các dự án quy mô lớn phải được thẩm định ý tưởng ban đầu, sau đó mới tiến hành nghiên cứu tiền khả thi, như quy định hiện hành đối với dự án ODA. Đồng thời, mở rộng các vấn đề cần thẩm định độc lập do Bộ KH&ĐT thực hiện để làm cơ sở phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư như sự cần thiết, mức độ phù hợp, tính bền vững, khả năng ngân sách, ngoài khả năng trả nợ hay cân đối vốn đã được Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính xem xét.

WB đề xuất cần quy định phương pháp phân tích chi phí - lợi ích là phương pháp mặc định. Có thể quy định áp dụng các phương pháp đơn giản hơn (phân tích chi phí - hiệu quả, phân tích đa tiêu chí) trong một số trường hợp, ví dụ các dự án có giá trị thấp hay khó thực hiện phân tích chi phí - lợi ích.

Ngoài ra, theo WB, cần tăng cường tính pháp lý của “quyết định đầu tư” nhằm đảm bảo rằng các dự án đã đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn rồi cũng bị giám sát chất lượng nghiêm ngặt và các dự án có thể bị từ chối nếu hiệu quả xã hội của chúng không thể hiện rõ.

Đại diện WB gợi ý đối với các dự án lớn, cần có một cơ quan độc lập với chủ dự án và với bộ chủ quản, thực hiện chức năng đánh giá độc lập. Đối với các dự án kém quan trọng hơn cần thu xếp để cho một cơ quan không có xung đột lợi ích thực hiện đánh giá. Việc tăng cường chức năng đánh giá độc lập giúp các cơ quan hoạch định chính sách và ra quyết định có các đánh giá khách quan về chất lượng dự án, kết quả nghiên cứu khả thi, các khuyến nghị thẩm định. 

Theo dõi sau đầu tư

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh chỉ ra số liệu khảo sát của một số tổ chức quốc tế cho thấy hiệu quả đầu tư công của Việt Nam còn thấp, thấp hơn ASEAN và mặt bằng thế giới.

Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư là công tác theo dõi, đánh giá hiệu quả, tác động sau khi đầu tư xong.

Ông Cao Viết Sinh cho biết, đối với các nước, việc đánh giá tác động sau khi đầu tư rất được chú trọng. Thế nhưng ở Việt Nam, câu hỏi mà ông Sinh đặt ra là: “Đã có bao nhiêu dự án tại Việt Nam thực hiện đánh giá tác động sau khi đầu tư xong?”. Rất nhiều dự án đầu tư xong lãng phí, đắp chiếu chính là câu trả lời.

WB cho rằng sửa đổi Luật Đầu tư công cần chú trọng hơn nữa định hướng hiệu quả, áp dụng phương pháp quản lý theo kết quả trong thẩm định và theo dõi đánh giá. Hiện nay còn chủ yếu tập trung vào khía cạnh hành chính, chưa quan tâm đúng mức tới phát hiện kịp thời các dự án có vấn đề có thể đe dọa tới hiệu quả của dự án. Tương tự như vậy, công tác theo dõi thực hiện còn thiếu tính chủ động, chưa có cơ chế mang tính hệ thống về đánh giá, phát hiện và xử lý vấn đề mỗi khi xảy ra. Theo ông Achim Fock, giải pháp khả thi là có hệ thống thông tin làm đầu mối theo dõi tập trung các chương trình đầu tư.

Tại Hội thảo tham vấn về sửa đổi Luật Đầu tư công mới đây, Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ có những sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước thông qua điều chỉnh trình tự thủ tục lập, thẩm định, quyết định và giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường hậu kiểm, giảm bớt tiền kiểm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư