Sửa Luật Đầu tư công: Lấy ý kiến về 6 nhóm giải pháp

(BĐT) - Thực tế quá trình triển khai Luật Đầu tư công vẫn có một số người không muốn buông bỏ cách làm cũ. Trước có địa phương 1 lãnh đạo tỉnh đi đến cơ sở làm 1 thông báo thực hiện dự án đến 20 năm không hết. Giờ không được thế nữa, giảm quyền cũng khó chịu.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá chênh lệch giữa các bộ, ngành, địa phương là do khâu tổ chức thực hiện. Ảnh: Lê Tiên
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá chênh lệch giữa các bộ, ngành, địa phương là do khâu tổ chức thực hiện. Ảnh: Lê Tiên

Ví dụ mà lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nghệ An đưa ra tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 6/7 phần nào minh chứng cho những chậm trễ, vướng mắc trong thực hiện đầu tư công là do khâu thực thi hay những nguyên nhân khác, mà không hẳn tất cả đều do Luật Đầu tư công. 

Giải ngân chậm vì đâu?

Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An, Luật Đầu tư công đạt được nhiều hiệu quả, nhưng lại ít được nói đến ở mặt này, mà chỉ nói nhiều đến tồn tại. Nếu không có Chỉ thị 1792/CT-TTg, sau đó là Luật Đầu tư công thì đầu tư công còn tiếp diễn tình trạng dàn trải, nợ đọng, không thể trả hết nợ.

Từ thực tế của địa phương, ông Nguyễn Văn Độ cho rằng, giải ngân chậm không hoàn toàn do Luật Đầu tư công. Chỉ đơn giản ở một thay đổi là dự án khởi công mới ít cũng có thể dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp hơn trước, vì trước năm 2016 khởi công mới nhiều, ứng vốn nhiều nên giải ngân đạt con số cao. Hay là vướng ở thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước, dự án có khối lượng thực hiện rồi nhưng chưa giải ngân được…

Không riêng Nghệ An, ông Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, triển khai Luật Đầu tư công tại địa phương không có nhiều vướng mắc. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đánh giá Luật Đầu tư công đã hạn chế đầu tư dàn trải, tùy tiện, phê duyệt quá nhiều dự án dẫn đến dự án kéo dài do thiếu vốn. Quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công tại Hải Dương cơ bản là tốt, quan trọng là cán bộ chịu khó nghiên cứu, hiểu Luật, thực hiện đúng Luật và sau đó nghiêm túc trong thực thi.

Đại diện Bộ Nội vụ, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, từ phê duyệt chủ trương đầu tư đến giải ngân được còn phụ thuộc vào nhiều luật, đặc biệt những thủ tục thẩm định thiết kế liên quan đến Luật Xây dựng mất khá nhiều thời gian.

Thực tế, theo số liệu giải ngân 6 tháng đầu năm của các bộ, ngành, địa phương được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&ĐT, Hải Dương đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 61,8% kế hoạch, đứng thứ hai trong số các đơn vị đã có báo cáo. Trong khi đó, có nhiều đơn vị giải ngân rất thấp, chưa đến 10%.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh đặt vấn đề, cùng một mặt bằng chính sách, tại sao tỷ lệ giải ngân lại quá chênh lệch giữa các bộ, ngành, địa phương? Ông Cao Viết Sinh cho rằng, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công trong 3 năm trở lại đây chưa đến một nửa là do chính sách, còn lại là do tổ chức thực hiện. 

Cái vướng phải sửa, cái tốt phải duy trì

Từ việc nhận diện nguyên nhân giải ngân chậm, hầu hết các ý kiến tại Hội thảo tham vấn cho rằng, ở thời điểm này chỉ cần điều chỉnh một số điều của Luật gây ra vướng mắc, cản trở, bởi vì tồn tại chủ yếu do khâu thực hiện và do nhiều nguyên nhân khác.

Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi quy định về thẩm định vốn trên nguyên tắc vốn của cấp nào quản lý cấp đó thẩm định, công trình cấp nào quản lý thì cấp đó lo vốn, trung ương chỉ hỗ trợ dự án có tính liên kết vùng, ở tầm quốc gia. Đối với  chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách trung ương có hỗ trợ nhưng do quy mô nhỏ cần xem xét lại quy trình thẩm định. Ngân hàng Thế giới (WB) thì nhấn mạnh vai trò của việc thẩm định vốn, chỉ cần thay đổi ở thực thi sao cho đơn giản, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, WB lưu ý việc đơn giản hóa quy trình thực hiện phải ở mức không phản tác dụng, ngược lại nguyên tắc bảo đảm chất lượng đầu tư công.

Một số đề nghị tăng cường phân cấp, nhưng số khác lại lo ngại phân cấp mạnh có thể lặp lại vấn đề đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, quản lý lỏng lẻo…

Tại Hội thảo tham vấn, Bộ KH&ĐT đã đưa ra 6 nhóm giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công để lấy ý kiến, gồm: Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; nhóm giải pháp đơn giản hóa thủ tục đầu tư, phân cấp mạnh mẽ đi đôi với trách nhiệm giải trình; lập kế hoạch bám sát tình hình thực tế phù hợp với nguồn lực và điều kiện cụ thể; đồng bộ, thống nhất giữa các luật quản lý đầu tư công; giải quyết các đặc thù về nguồn vốn và quy mô dự án khác nhau. Nhóm giải pháp quan trọng nữa là tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch, công bằng.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh, Luật Đầu tư công cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, chỉ sửa đổi một số điều gây ra vướng mắc trong triển khai do quy định của Luật Đầu tư công, nhưng vẫn duy trì được những mặt tích cực của luật này. Những sửa đổi lần này nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải trong đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công, làm sao để thực thi và giám sát tốt hơn. Bộ KH&ĐT lắng nghe tất cả các ý kiến góp ý toàn diện về Luật Đầu tư công, từ đó sẽ tiếp thu, rà soát, chọn lọc những vấn đề chính cần sửa đổi.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư