Chấp nhận ganh đua trong cuộc chơi toàn cầu

(BĐT) - Nhờ hội nhập mà dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam ngày càng nhiều. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với hàng loạt cam kết mở cửa thị trường cấp độ cao, cần chú trọng tới hiệu quả và chất lượng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phải so đo từng lợi ích mà doanh nghiệp (DN) trong nước thu được mỗi khi cấp phép một dự án FDI, để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân trong nước.

Quan điểm này được PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ chính sách công (MPP) thuộc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới. Ông có đánh giá gì về những đóng góp của dòng vốn này cho nền kinh tế Việt Nam?

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), lũy kế đến ngày 20/8/2019, cả nước có 29.532 dự án FDI đến từ 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 353,7 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt 203,45 tỷ USD, bằng 57,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Đóng góp về tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy xuất nhập khẩu, nộp ngân sách nhà nước, thúc đẩy công nghiệp hóa của khu vực FDI trong hơn 30 năm qua, kể từ khi đạo luật đầu tiên về ĐTNN được ban hành năm 1988, đã được thống kê và nhắc tới nhiều. Từ Thái Nguyên tới Bình Dương, bên cạnh các công ty trong nước, DN FDI đã trở thành một bộ phận quen thuộc trong đời sống kinh tế và xã hội của người Việt Nam.

Thời gian trôi nhanh làm cho người ta mau lãng quên, vậy nên cần nhắc lại, vào năm 1988, nước ta chỉ có các xí nghiệp quốc doanh mà chưa ban hành các đạo luật về công ty. Trong khi ấy, DN FDI được thành lập dưới hình thức công ty liên doanh, sự dè dặt tiếp xúc với các công ty tư nhân bớt dần đi, nước ta từng bước chấp nhận chuyển từ nền kinh tế mệnh lệnh sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, và ngày nay là nền kinh tế thị trường, mong muốn hoạt động bình thường như một phần không thể tách rời của nền kinh tế thị trường toàn cầu. Đó là một sự chuyển hướng giúp thoát nghèo, giúp hàng triệu người Việt Nam trở nên khá giả, phong lưu hơn.

Trong sự ganh đua cạnh tranh với DN FDI, khu vực kinh tế nhà nước và dân doanh trong nước cũng buộc phải thay đổi, buộc phải chấp nhận thách thức để có thể tồn tại. Sự điều tiết của Nhà nước cũng phải trở nên thông minh, phù hợp hơn, ngang tầm hơn với những cuộc chơi phức tạp hơn, quy mô lớn hơn rất nhiều. Tạo nên tư duy phổ biến trong xã hội Việt Nam là dám chấp nhận ganh đua trong những cuộc chơi toàn cầu lớn dần, có phần đóng góp của dòng vốn FDI trong hơn 30 năm qua.

Chấp nhận ganh đua trong cuộc chơi toàn cầu ảnh 2
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa
Mặc dù vậy, mục tiêu thu hút vốn FDI để thúc đẩy DN Việt Nam nâng cao năng lực quản trị và trình độ công nghệ vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo ông, làm thế nào để đạt được mục tiêu này?

Về điểm này, nếu so với Trung Quốc, Việt Nam kém thành công hơn. Hiệu ứng lan tỏa, ví dụ sự lan tỏa về công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ khu vực FDI sang khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa rõ rệt. Nhà máy lắp ráp điện thoại di động tân tiến của nước ngoài tựa như một con tàu ngoài hành tinh hạ cánh giữa đồng lúa Việt Nam. Họ đến với tất cả phụ tùng, phụ kiện, công nghệ khép kín được sở hữu bởi những người đồng hương của họ. Họ chỉ thuê nhân công của chúng ta lắp ráp, và cũng chỉ thuê khi nhân công của chúng ta còn trẻ, nhanh mắt, nhanh tay. Ngày càng nhiều người lao động bị sa thải ngay khi vừa hết tuổi thanh niên.

Nếu không có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong nước một cách phù hợp, khi các dòng vốn FDI rút đi sẽ chỉ để lại một môi trường thiên nhiên và xã hội kiệt quệ, hàng triệu công nhân bị sa thải mà không có thu nhập. Con cháu chúng ta có nguy cơ trở thành đầy tớ ngay trên mảnh đất của tổ tiên.

Muốn tránh được nguy cơ ấy, phải hỗ trợ, đề cao kinh tế tư bản tư nhân trong nước, phải đề cao sự độc lập, tự chủ về kinh tế, phải so đo từng lợi ích mà DN trong nước thu được mỗi khi cấp phép một dự án FDI. 

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), theo ông, nên ứng xử như thế nào để tăng cường hiệu quả hợp tác ĐTNN trong thời gian tới?

Tại Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030, Bộ Chính trị đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác ĐTNN có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác ĐTNN.

Việc thu hút ĐTNN góp phần tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Nếu đo độ mở của nền kinh tế bằng tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở đứng thứ 5 trên thế giới, chỉ sau Luxembourg, Hongkong, Singapore và Ireland. Tôi nhắc lại điều này để làm rõ Việt Nam đã chấp nhận luật chơi quốc tế rất nhanh, các không gian chính sách dành dụm cơ hội, bảo hộ, che chắn cho công ty trong nước ngày càng bị thu hẹp dần. Nếu DN trong nước chưa đủ lớn, chưa kịp chuẩn bị, các cơ hội kinh doanh trong nước sẽ bị tước mất vĩnh viễn bởi các tập đoàn nước ngoài.

Các tập đoàn FDI, thường là sở hữu đa quốc gia, hiếm khi sử dụng các thể chế kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư. Họ vận động để có được những cam kết bảo hộ đầu tư chắc chắn, kể cả về quyền tài sản. Ví dụ, đất cho DN FDI thuê có thể kéo dài tới 50 năm, trong vài trường hợp tới 75 năm... Họ hiếm khi dùng luật hợp đồng và tòa án của nước chủ nhà. Tranh chấp được phán xử bởi pháp luật và các cơ quan tài phán quốc tế hoặc nước ngoài.

Vì lẽ ấy, phải thảo luận và định nghĩa lại độc lập, tự chủ, tự tin và tự tôn dân tộc trong thời đại ngày nay. Nếu có cơ hội, phải nâng đỡ tư bản trong nước, cái gì người Việt Nam làm được thì phải tìm mọi cách trao cơ hội ấy cho người Việt Nam.

Chuyên đề